Hotline: 0908961396

Giải pháp nâng cao sản phẩm cao su thiên nhiên

30/05/2013
Giải pháp nâng cao sản phẩm cao su thiên nhiên
Tại TP.HCM, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng VN phối hợp với Ban Công nghiệp VRG vừa tổ chức Hội thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về cao su thiên nhiên. Hội thảo nhằm rà soát, xem xét để loại bỏ các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) không còn phù hợp, giới thiệu 4 dự thảo TCVN về cao su thiên nhiên, đồng thời thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên.
Giới thiệu bốn dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về cao su Tại hội thảo, ông Phó Đức Sơn – Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng VN, cho biết: “Đổi mới hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) là một nhiệm vụ trọng tâm trong hội nhập với quốc tế và khu vực. VN đã xây dựng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2007. Theo tinh thần của Luật được ban hành, chúng ta đang tích cực tiến hành rà soát, xem xét để loại bỏ các TCVN đã lạc hậu, hoặc không phù hợp với đối tượng của tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh việc nghiên cứu để dần dần đưa những vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ trong xây dựng tiêu chuẩn tiếp cận với thông lệ quốc tế, đặc biệt là TCVN về cao su thiên nhiên”. Tính đến năm 2012, Hệ thống TCVN về cao su có 52 tiêu chuẩn, trong đó: 29 tiêu chuẩn về cao su thiên nhiên và latex, 21 tiêu chuẩn cao su lưu hóa và nhiệt dẻo, 1 tiêu chuẩn về phụ gia cao su, 1 tiêu chuẩn về hướng dẫn lưu kho. Hội thảo đã giới thiệu hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về cao su và 7 TCVN về cao su thiên nhiên, trong đó có 4 dự thảo TCVN về cao su thiên nhiên đã xây dựng và soát xét trong năm 2013, gồm: TCVN 6314:2013 (ISO 2004:2010) Latex cao su thiên nhiên cô đặc – các loại ly tâm hoặc kem hóa được bảo quản bằng ammoniac; TCVN 4859:2013 (ISO 1652:2011) Latex cao su – xác định nồng độ nhớt biểu kiến bằng phương pháp Brookfield; TCVN 6093:2013 (ISO 4660:2011) Cao su thiên nhiên – xác định chỉ số màu; TCVN 1592:2013 (ISO 23529:2010) Cao su – quy trình chung để chuẩn bị và ổn định mẫu thử cho các phương pháp thử vật lý. Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên Ông Đặng Quang Trung – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết: “VRG hiện có 44 nhà máy, xí nghiệp và xưởng chế biến cao su với tổng công suất thiết kế 433.000 tấn/năm. Hầu hết các nhà máy đáp ứng tốt sản lượng đỉnh. Hệ số sử dụng nhà máy trung bình đạt 78%. Trong đó, 22% còn lại dùng để thay đổi cơ cấu cần thiết. Với quy mô và lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG, việc ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên trong Tập đoàn là rất quan trọng. Do đó cần phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững”. Ban Công nghiệp VRG đã đưa ra 4 giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên, đó là: ban hành và soát xét các qui trình chuẩn chế biến cao su, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, áp dụng ISO/ICE 17025:2005 và ISO 9001, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ cao. Ông Trung cho biết ở một số công ty, mô hình quản lý chất lượng hiện nay chỉ tập trung chủ yếu ở nhà máy chế biến, chưa chú trọng chất lượng mủ từ vườn cây. Vì vậy, phải áp dụng mô hình quản lý chất lượng từ vườn cây đến nhà máy, góp phần hướng tới “chất lượng toàn diện” tạo điều kiện tốt cho việc đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, nâng cao uy tín của công ty. Nguyên liệu mủ từ vườn cây về nhà máy đạt chất lượng, không được nhiễm bẩn, bảo quản phù hợp, đảm bảo thời gian. Khi chở mủ về nhà máy phải được xử lý đúng cách và chế biến theo quy trình công nghệ chuẩn, sản phẩm đạt 99% theo tiêu chuẩn TCVN. Hiện tại toàn VRG có 18 phòng kiểm phẩm, trong đó có 13 phòng đạt ISO 17025:2005 (72%), 5 phòng đang xây dựng (28%). Việc xây dựng phòng quản lý chất lượng của các công ty đạt chuẩn ISO/ICE 17025:2005 (Vilas) là rất quan trọng. Vì vậy, các công ty chưa được chứng nhận Vilas phải khẩn trương xây dựng hệ thống, đầu tư trang thiết bị để tiến tới được Vilas công nhận đạt chuẩn. Các đơn vị phải thường xuyên đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các khóa huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý chất lượng giữa các công ty thành viên. Mở thêm các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Tổ chức kiểm tra chéo giữa các phòng kiển phẩm để đảm bảo độ tin cậy và nâng cao tay nghề, trao dồi kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác chất lượng. Ông Trung nhấn mạnh: “Các đơn vị cần nâng cao tay nghề, ý thức cho đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất, thường xuyên phổ biến, hướng dẫn các phương pháp sản xuất mới, các tiến bộ khoa học cho đội ngũ sản xuất. Kiểm tra chặt chẽ, phát hiện kịp thời những chất pha trộn khi mua nguyên liệu cao su. Có chế độ khen thưởng cho lĩnh vực chế biến, chất lượng, tổ chức Hội thi bàn tay vàng trong chế biến”.
Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo thitruongcaosu.net