Ngày 14-11-2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC quy định mức thuế xuất khẩu 3% đối với cao su thiên nhiên chủng loại latex cô đặc và cao su hỗn hợp. Tại thời điểm thông tư trên ra đời, giá cao su xuất khẩu tăng nhanh và đạt đỉnh điểm 4.562 USD/tấn vào tháng 2-2011, thì mức thuế trên là hoàn toàn phù hợp và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su vẫn còn lãi lớn.
Hơn nữa, mục đích của việc thu thuế suất khẩu đối với mặt hàng
cao su vào thời điểm 2011 là nhằm hạn chế phần nào việc xuất khẩu các mặt hàng cao su ở dạng nguyên liệu để giữ nguyên liệu cho sản xuất trong nước trước tình hình kim ngạch xuất khẩu cao su tăng đột biến. Tại thời điểm đó, giá xuất khẩu cao su ở mức rất cao trên 4.000 USD/tấn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, giá xuất khẩu cao su đã giảm khá sâu, lượng cung cao su thế giới đang lớn hơn cầu, nhu cầu trong nước cũng được bảo đảm, lượng tồn kho của các doanh nghiệp trong Tập đoàn cao su Việt Nam ngày càng nhiều.
Cụ thể, bình quân giá cao su xuất khẩu năm 2012 chỉ còn 2.795 USD/tấn, giảm gần 30% so với năm 2011 và giảm tới 39% so với đỉnh điểm. Từ đầu năm 2013 đến nay, giá cao su xuất khẩu tiếp tục giảm và bình quân trong quý I/2013 là 2.685 USD/tấn, giảm 41% so với mức đỉnh của năm 2011 và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2012. Dự báo mức giá cao su xuất khẩu thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong vài năm tới. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới tăng trưởng kém, cao su tồn kho còn nhiều và nguồn cung cao su tăng mạnh do các nước mở rộng diện tích trồng mới trong thời kỳ giá cao vừa qua.
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam cho rằng, việc vẫn tiếp tục duy trì mức thuế xuất khẩu cao su 3% sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam ngoài khu chế xuất và các doanh nghiệp nước ngoài trong khu chế xuất về xuất khẩu cao su hỗn hợp. Đồng thời, thuế xuất khẩu cao đã và đang làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cao su Việt Nam so với các nước lân cận. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành cao su, cũng như duy trì sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm cao su thiên nhiên, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã chính thức kiến nghị miễn thuế xuất khẩu những mặt hàng cao su thiên nhiên.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã dự kiến giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su tự nhiên thuộc các nhóm 4001, 4002 và 4005 từ mức 3% và 5% xuống 1%. Mức thuế suất này bằng với mức thuế xuất khẩu đang được áp dụng tại Malaysia. Nếu việc giảm thuế trên được chính thức áp dụng thì không những góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cao su, mà còn là giải pháp hữu hiệu để nông dân gắn bó với loại cây này. Đồng thời, giúp nông dân tránh được các vòng luẩn quẩn là trồng rồi chặt và chặt rồi lại trồng.