Hotline: 0908961396

Hạn chế phát triển cây cao su ở Bắc Trung bộ

07/11/2013
Hạn chế phát triển cây cao su ở Bắc Trung bộ
(TBKTSG) - Trận bão Wutip (bão số 10) vào cuối tháng 9 năm nay quét qua dải đất miền Trung gây thiệt hại lớn cho khoảng 20.000 héc ta diện tích trồng cao su ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Gió bão đã bẻ gãy hơn hai phần ba số cây cao su đang vào tuổi khai thác ở nhiều vùng làm nhiều nông dân gần như phá sản. Tổn thất kinh tế riêng cho cây cao su cho toàn vùng Bắc Trung bộ ước tính hơn 2.400 tỉ đồng, chưa kể công sức dọn dẹp sau bão.
Người Pháp, trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, dường như có lý khi chỉ tập trung phát triển các đồn điền cao su ở khu vực miền Đông Nam bộ và một phần Tây Nguyên. Theo nghiên cứu của Zhe Li và Jefferson M. Fox (2012), diện tích cây cao su nên phát triển chủ yếu ở vùng nhiệt đới trong khoảng vĩ độ 10° Bắc và 10° Nam so với đường xích đạo. Cao su là một cây công nghiệp có bộ rễ phát triển mạnh trên vùng đất đỏ bazan nhưng rất kém chịu đựng về mặt thời tiết. Thân cây cao su rất giòn yếu, không chịu nổi với gió mạnh và ngập úng. Khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông rét mướt, cây cao su cho mủ kém hẳn... Miền Trung là vùng đất của bão tố, ngập lũ vào mùa mưa và khô hạn trong mùa nắng; một số năm còn bị các đợt lạnh vào mùa đông, đều là các yếu tố hạn chế của cây cao su. Do đặc điểm đất hẹp, đồi dốc nhiều, nên cao su được trồng đơn lẻ, rải rác, phần lớn là tự phát, không có nghiên cứu quy hoạch, đánh giá đầy đủ và thiếu đầu tư hệ thống chắn gió nên cây cao su vùng Bắc Trung bộ dễ bị đổ ngã, hư hại. Cây cao su khi bị gãy ngang thì chỉ còn cách chặt bỏ vì cây khó có thể phục hồi để khai thác mủ. Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam, đặc biệt là vùng miền Trung, chứng kiến nhiều hiện tượng bất thường của tự nhiên, thiên tai xảy ra với tần suất cao hơn và cường độ mạnh hơn. Các phỏng đoán cho thấy thiên tai và biến đổi khí hậu sẽ khốc liệt hơn nữa. Thời gian từ lúc bắt đầu trồng cây cao su đến tuổi khai thác khoảng 10-12 năm, trong khi chu kỳ xuất hiện một trận bão mạnh tương đương với trận bão số 10 vừa qua ở vùng đất này là khoảng 8-10 năm. Với sức gió cỡ cấp 8 (trong bảng cấp gió Beaufort, khoảng 55-68 ki lô mét/giờ) thì rủi ro cho cây cao su là khá lớn. Tần suất xuất hiện bão lớn (với sức gió trên cấp 10) có thể cao hơn trong các thập niên tới khiến chủ trương mở rộng diện tích cây cao su ra vùng miền Bắc, miền Trung trở nên rủi ro hơn nhiều. Một khi yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu như một loại chi phí không được xem xét phân tích trong kế hoạch phát triển thì bài toán phân tích kinh tế đầu tư sẽ trở nên thiếu tính thuyết phục và xa rời thực tế.
Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo caosu.net