Hotline: 0908961396

Kết quả thử nghiệm chế phẩm sinh học trên cây khô mặt cạo

02/12/2011
Kết quả thử nghiệm chế phẩm sinh học trên cây khô mặt cạo
Vấn đề khô mặt cạo gây tổn hại về mặt kinh tế do cây cao su ngưng hoặc vĩnh viễn không cho mủ. Đến nay, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết vấn đề này. Vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Cao su VN đã sử dụng chế phẩm sinh học nhằm cải thiện hiện tượng khô miệng cạo trên cây cao su

(Hình minh hoạ)

Khô mặt cạo (KMC) còn được gọi là khô miệng cạo, dùng để chỉ những cây cao su không cho mủ, trước đây những cây này được gọi là mắc bệnh vỏ nâu. Thường có hai loại KMC. Loại thứ nhất là KMC sau đó hồi phục trở lại và cho mủ bình thường. Loại này thường thấy trong các chế độ cạo nặng hoặc trên các thí nghiệm cảm ứng KMC, dưới tác động của cường độ cạo nặng hoặc kích thích thường xuyên cây sẽ bị KMC, nhưng sau khi cho cây nghỉ cạo hoặc sau khi chấm dứt thí nghiệm thì cây cho mủ bình thường. Một loại KMC khác là khô hẳn không thể phục hồi được, thường thấy rải rác trên vườn cao su. Có trường hợp cây chưa cạo mủ bao giờ nhưng khi mở miệng cạo thì cây đã bị khô mủ hoàn toàn, có trường hợp qua một thời gian cạo mủ thì lác đác trên vườn cao su xuất hiện cây KMC.

Vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Viện NCCS VN đã sử dụng chế phẩm sinh học nhằm cải thiện hiện tượng KMC trên cây cao su. Nhóm đã tiến hành thử nghiệm 7 loại sản phẩm/chế phẩm sinh học trên cây bị hiện tượng KMC.

Hệ thống thí nghiệm tại Công ty CPCS Đồng Phú sử dụng 3 loại sản phẩm/chế phẩm sinh học là Vitex, BIO-quét và TDP 2. Trung bình sản lượng trong 7 tháng trên các nghiệm thức sử dụng chế phẩm sinh học có cao hơn so với nghiệm thức không sử dụng, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa. Tỷ lệ KMC thì tăng lên so với trước khi xử lý. Kết quả kiểm tra chất kích thích mủ cho thấy, Vitex, BIO-quét và TDP 2 đều chứa hoạt chất ethephon với nồng độ lần lượt là 2,5%; 1,0% và 1,5%. Do có chứa chất kích thích nên khi bôi lên cây đã có hiện tượng KMC thì mức độ khô ngày càng tăng lên và sản lượng đáp ứng kém bền vững.

Trên hệ thống thí nghiệm tại Lai Khê sử dụng 5 loại chế phẩm sinh học là TPD 1, TDP 2, TDP 3, TDP 4 và TDP5. Sau 6 tháng xử lý, sản lượng thể hiện sự khác biệt không có ý nghĩa khi so với nghiệm thức bôi chất kích thích mủ. Tỷ lệ KMC có giảm xuống so với trước khi xử lý, kể cả nghiệm thức bôi chất kích thích mủ. Xu hướng KMC trên hệ thống thí nghiệm tại Lai Khê thì trái ngược với Đồng Phú. Nguyên nhân do các chế phẩm này không chứa chất kích thích, ngoại trừ chế phẩm TDP 2. Hơn nữa, nhịp độ xử lý ở Lai Khê thấp hơn so ở Đồng Phú.

Sau quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận: Các loại sản phẩm/chế phẩm sinh học được sử dụng trong nghiên cứu này không có chức năng cải thiện/khắc phục được hiện tượng KMC trên cây cao su. Trên cây KMC cho sản lượng ít hơn so với cây bình thường, tỷ lệ KMC càng cao sản lượng cho càng ít. Các nhóm cây có tỷ lệ KMC càng cao thì hàm lượng cao su khô càng cao.
Thành Hiệp
www.hoangminhco.com