Hotline: 0908961396

Không chạy đua phát triển ngành cao su

22/01/2014
Không chạy đua phát triển ngành cao su
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu một tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2,5%, những đơn vị khác thậm chí tỷ lệ này 0% thì Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đạt trên 20% là một thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta không nên chạy đua phát triển diện tích cao su mà cần đầu tư phát triển chế biến sâu thay vì xuất khẩu thô như hiện nay. Doanh thu, lợi nhuận giảm liền 3 năm
 Theo VRG, tổng diện tích cao su của toàn tập đoàn hiện đạt 392.239ha, tăng 9% so với năm 2012, trong đó diện tích cao su kinh doanh đạt 168.580ha. Sản lượng thực hiện được 266.834 tấn mủ quy khô, đạt 101,5% kế hoạch. Năng suất bình quân đạt 1,59 tấn/ha.

Tính đến cuối tháng 12-2013, VRG đã tái canh và trồng mới được gần 44.000ha. Trong đó, diện tích tái canh khoảng 12.300ha, trồng mới 31.700ha. Riêng tại Campuchia, diện tích trồng mới năm 2013 khoảng 20.800ha, Lào khoảng 1.200ha.

Đến nay đã có 15 đơn vị thành viên của VRG tiến hành thành lập 19 DN tại Campuchia để tô nhượng và sang nhượng hơn 151.000ha đất để trồng cao su (trong đó tô nhượng 104.3000ha, sang nhượng khoảng 46.700ha). Tổng mức đầu tư của 20 dự án đã được thỏa thuận khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của VRG, trong năm vừa qua, thiên tai liên tiếp xảy ra đã làm thiệt hại nặng vườn cây cao su khai thác. Đối với công tác tái canh, nhiều đơn vị thành viên chưa mạnh dạn, chủ động thanh lý vườn cây già cỗi để tái canh bằng giống mới có năng suất cao.

Bên cạnh đó, thị trường cao su thế giới biến động mạnh, giá cao su thiên nhiên giảm từ 91,6 triệu đồng/tấn năm 2011 còn 51,8 triệu đồng/tấn. Năm 2013, xuất khẩu cao su ước đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 2,52 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng nhưng giảm 11,7% về giá bán so với năm 2012.

Doanh thu của VRG trong 3 năm (2011-2013) bị giảm lần lượt từ 33.381 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 30.392 tỷ đồng năm 2012 và 30.000 tỷ đồng năm 2013. Tổng doanh thu giảm nên lợi nhuận của VRG cũng giảm tương ứng.

Năm 2011, lợi nhuận trước thuế của VRG đạt 11.838 tỷ đồng, sang năm 2012 giảm còn 8.311 tỷ đồng và năm 2013 chỉ đạt 5.573 tỷ đồng. Năm 2014, VRG cho biết sẽ phấn đấu duy trì tăng trưởng ổn định, đồng thời tiếp tục nâng diện tích cao su khoảng 420.000ha, sản lượng cao su khai thác đạt 265.000 tấn.

Thâm canh, cải thiện năng suất

VRG và nhiều DN hiện vẫn đang quyết tâm trồng mới cao su tại một số tỉnh miền Trung và Tây Bắc. Trong khi đó, vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là có nên phát triển cao su tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc hay không, khi hàng trăm ha rừng cao su bị thiệt hại nặng nề sau những cơn bão vừa qua.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: “Vừa qua, tôi đã lên Tây Bắc và xác nhận là sau 3 đợt rét đậm cao su vẫn còn sống. Tại Lai Châu, đi trên những đỉnh núi cao, tôi đã thấy những rừng cao su bạt ngàn. Tuy nhiên, miền núi phía Bắc có đặc điểm địa hình và khí hậu đa dạng, nếu phát triển cao su phải nghiên cứu kỹ trồng được ở đâu, khu vực nào.

Chúng ta nên tập trung cao hơn cho khâu thâm canh, tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả hơn là chạy theo phát triển diện tích trồng cao su. Đặc biệt là tìm cách chế biến, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng phải giải trình nhiều lần với Quốc hội về cao su. Bởi người dân rất quan tâm đến cao su, cao su đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo. Trồng cao su ở Tây Bắc hết sức khó khăn, thậm chí việc trồng cao su ở đây đã gây ra một cuộc tranh luận trong toàn ngành nông nghiệp.

Bao năm nay không làm được, nhưng nay chúng ta đã hiện thực giấc mơ đó nhờ tìm ra giống cao su chịu gió, chịu rét. Tuy nhiên, bất cập hiện nay theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, là sản lượng tăng trong khi giá thành giảm. Giá giảm liên quan đến tình hình cung cầu thế giới, nhưng một phần vì chất lượng sản phẩm của chúng ta chưa đồng đều.

Hơn nữa, thị trường của cao su Việt Nam còn đơn điệu, không đa dạng, dễ dẫn tới rủi ro. Do đó, để có giá tốt, giá trị gia tăng cao hơn cần đưa công nghệ vào nhằm nâng năng suất lao động, tăng cường công tác chế biến để tăng giá trị trên sản phẩm chứ không thể để tình trạng tiêu thụ sơ chế chiếm tới 80% hiện nay. Đồng thời phải đa dạng hóa thị trường để giảm rủi ro trong tương lai.

 
Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo caosu.net