Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong công tác phòng trị bệnh Corynespora tại Hội thảo Tổng kết công tác sản xuất nông nghiệp năm 2012 của công ty vào ngày 13/6, ông Trần Vĩnh Tuấn - Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp công ty, cho biết: “Do nấm bệnh gây hại quanh năm nên cần phải thực hiện biện pháp quản lý mang tính tổng hợp. Cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật và khuyến cáo tư vấn của Viện Nghiên cứu Cao su VN, không tự ý sử dụng các công thức thuốc ngoài khuyến cáo vì tăng lần phun và lượng thuốc phun sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Hiện nay, bệnh đã trở nên phổ biến, nấm bệnh tồn tại trong môi trường tự nhiên, khái niệm “sống chung với nấm bệnh” phải được chấp nhận”.
Theo ông Tuấn, trong nhiều trường hợp bệnh xuất hiện trên vườn cây nhưng không ảnh hưởng hoặc chỉ gây hại nhẹ, vườn cây vẫn duy trì tán lá > 90%, lá non chưa rụng thì chưa cần thiết phải phun thuốc, điều này rất có ý nghĩa trong việc giảm nguy cơ kháng thuốc của nấm bệnh, tránh lãng phí trong đầu tư phòng trị bệnh. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra vườn cây, khi thời tiết chuyển tiếp mưa nắng xen kẽ, vì đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại. Không phun thuốc liên tục nhiều lần nhằm mục đích phòng bệnh, chỉ phun thuốc khi bệnh có ảnh hưởng đến vườn cây (5 - 10% cây có lá non rụng do bệnh), ngưng phun thuốc khi cây có lá non không bị rụng do bệnh.
Các biện pháp canh tác bổ sung: đối với vườn cây sản xuất kinh doanh, trong trường hợp bệnh nặng phải ngừng cạo đến khi vườn cây phục hồi mới khai thác trở lại. Tăng cường chăm sóc bón phân đầy đủ, hợp lý để cây sinh trưởng phát triển khỏe. Bón tăng lượng phân kali lên so với qui trình khoảng 25% để cây tăng sức chống chịu sự xâm nhiễm gây hại của nấm bệnh. Vệ sinh toàn bộ vườn cây
cao su đã bị bệnh, thu gom các lá, cuống lá, cành, chồi non bị bệnh đã rụng dưới đất để tiêu hủy nhằm làm giảm nguồn nấm bệnh lưu chuyển trên vườn cây.