Tại Hội nghị tổng kết công tác nông nghiệp VRG lần thứ IV năm 2013 tổ chức ngày 25/6, đã có 34 tham luận chia sẻ về trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh cao su. Trong đó có 13 tham luận chuyên đề về giải pháp kỹ thuật và bảo vệ thực vật; 2 tham luận về khoa học kỹ thuật; 1 tham luận về vấn đề rừng khộp… Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, có 8 tham luận nói về chuyên đề biến đổi khí hậu; 6 tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc và 4 tham luận định hướng cho việc tăng năng suất vườn cây của các đơn vị khu vực Tây Nguyên.
Nhiều giống mới phù hợp với khí hậu các tỉnh miền núi phía Bắc
Đối với chủ đề biến đổi khí hậu, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã có tham luận “Biến đổi khí hậu và các ảnh hưởng đến sản xuất
cao su thiên nhiên”. Theo đó, với xu hướng ấm lên, về lâu dài tạo thuận lợi cho việc mở rộng cao su ra phía Bắc, tuy nhiên những bất thường về thời tiết (rét hại mùa đông) vẫn không thể đoán định được và cần theo dõi sát sao. Sự biến đổi khí hậu theo xu hướng tăng lượng mưa, có thể tăng sự xói mòn, lũ quét cho các vùng trồng cao su. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, năng suất mủ cao su; đồng thời ảnh hưởng tới công tác thu hoạch, bệnh và sâu hại trên cây cao su.
Trước tình hình đó, Viện Nghiên cứu Cao su VN đã có những khuyến cáo để hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu trên cao su. Trước tiên, cần phải triển khai nghiên cứu giống nhằm vận dụng tiềm năng di truyền để khắc phục hoặc giảm thiểu ảnh hưởng bất thuận của biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực này, sự đầu tư dài hạn là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào công tác cải tiến giống cao su. Qua đó, cần chọn tạo giống chịu hạn, chịu rét, chịu gió; chọn tạo giống chịu bệnh (ưu tiên cho giống chịu bệnh trên lá); chọn tạo gốc ghép chịu hạn. Đồng thời quy hoạch vùng cao su gắn với việc xem xét cẩn thận nguy cơ có thể xảy ra do biến đổi khí hậu, nhất là vùng đất có nhiều hạn chế như rừng khộp, vùng núi phía Bắc; xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý bệnh hại chặt chẽ…
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ môn Giống của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cũng có tham luận “Cơ cấu giống cao su triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các giống triển vọng cho vùng”. Theo đó, sau 5 năm triển khai khảo nghiệm giống tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như vùng Đông Bắc giai đoạn 2011 – 2015, trong các giống khuyến cáo bản II cho vùng Tây Bắc, RRIV124, 107; PB312 đã chứng tỏ khả năng thích nghi cao, thể hiện qua thành tích vượt trội về sinh trưởng cũng như khả năng chống chịu rét trên các thí nghiệm so sánh giống đã thiết lập trong vùng. Ngoài những giống khuyến cáo bảng I, II đã phát hiện một số giống mới triển vọng cho vùng Tây Bắc như RRIV114, 125, 205, 209, 210. Bên cạnh đó, một số dòng vô tính mới (từ vụ lai 2004) thể hiện khả năng sinh trưởng vượt trội trên các thí nghiệm sơ tuyển tại Lai Châu, đặc biệt là 2 giống LH 04/743 và LH 04/187.
Ngoài những giống khuyến cáo tạm thời cho vùng Đông Bắc, sau đợt rét đậm đầu năm 2013, bước đầu đã phát hiện một số giống mới tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu của vùng như RRIV107, 210, 211, 214.
Bên cạnh những tham luận của Viện Nghiên cứu Cao su VN, một số đơn vị khác cũng trình bày các giải pháp chống biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cây cao su như: “Một số biện pháp sản xuất cao su thiên nhiên bền vững”, “Một số giải pháp thực hiện trong quá trình trồng mới và chăm sóc giúp vườn cây vượt qua mùa nắng hạn kéo dài (Công ty CP Cao su Tây Ninh); “Xây dựng rừng trồng xen và tổng kết mô hình xây dựng cây con bầu 5 tầng lá” (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh)…
Các giải pháp tăng năng suất vườn cây khu vực Tây Nguyên
Riêng khu vực Tây Nguyên, hầu hết các tham luận đều đề cập đến các giải pháp và lộ trình tăng năng suất vườn cây kinh doanh. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông có tham luận “Nâng cao năng suất vườn cây cao su kinh doanh giai đoạn 2011 – 2015”. Từ kết quả phân tích vườn cây, ngoài việc áp dụng đúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất vườn cây, quy hoạch mặt cạo, xây dựng kế hoạch sản lượng… Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông còn thực hiện các chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu CSVN. Qua 3 năm thực hiện, công ty đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn cây. Nhờ đó năng suất vườn cây tăng dần theo từng năm, có tính khả thi cho năng suất năm 2015. Cụ thể, nếu năm 2010 năng suất của Chư Prông chỉ đạt 1,33 tấn/ha thì đến năm 2012 tăng lên 1,5 tấn/ha.
Trong tham luận “Xây dựng vườn cây 1,5 đến 1,6 tấn/ha đến năm 2015” của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang có đề cập đến những nguyên nhân khó khăn do điều kiện tự nhiên, thời tiết thay đổi bất thường gây nhiều bất thuận cho việc phát triển cao su. Nhiều diện tích vườn cây của đơn vị này nằm ở độ cao 700 – 800 mét nên cây cao su kiến thiết cơ bản thường chậm phát triển, thời gian đưa vào khai thác muộn… Bên cạnh đó, hàng năm vào mùa thay lá thường có sương mù. Số ngày có sương mù bình quân là 57 ngày/năm làm cây nhiễm bệnh phấn trắng nặng dẫn đến thời vụ cạo chậm từ 1 đến 2 tháng nên sản lượng giảm nhiều… Trước tình hình đó, công ty đã ký hợp tác toàn diện với Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên làm phân tích mẫu đất và lá để có công thức phân bón phù hợp; thí nghiệm các phương pháp thâm canh vườn cây như đào hố tích mùn, bón phân, chế độ cạo. Có chế độ đầu tư chăm sóc cụ thể phù hợp với từng loại vườn cây cũng như địa hình… Ngoài ra, lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn công ty không ngừng nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật, quản lý lao động.
Cũng với đề tài về lộ trình tăng năng suất vườn cây, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có tham luận về “Một số giải pháp kỹ thuật nhằm ổn định và nâng cao năng suất theo lộ trình đến năm 2017”. Còn đối với Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’Leo thì xây dựng cho mình lộ trình tăng năng suất vườn cây cụ thể cho từng năm như: năm 2011 năng suất là 1,52 tấn/ha, năm 2012 là 1,61 tấn/ha, năm 2013 là 1,65 tấn/ha, năm 2014 tăng lên 1,70 tấn/ha, và đạt 1,80 tấn/ha vào năm 2015.