Hotline: 0908961396

Kỹ thuật mới đem lại tiền tỷ

01/10/2011
Kỹ thuật mới đem lại tiền tỷ
Một kỹ thuật mới giúp xác định độ nhớt của mủ cao su nguyên liệu trong chưa đầy 20 phút so với 12 giờ như trước đây đã đem lại cho công ty mỗi năm nhiều tỷ đồng, người nông dân cũng được lợi nhờ bán mủ giá cao.
Kỹ thuật mới này do Kỹ sư Tào Mạnh Cương, phó phòng Quản lý chất lượng, Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa, tỉnh Bình Dương tìm ra. Hiện đã có rất nhiều đơn vị chế biến cao su học hỏi để áp dụng.

Lợi trên 5 tỷ đồng/năm

Cao su nguyên liệu loại SV RCV là loại tốt, có độ nhớt ổn định, dễ gia công, thêm phụ gia… Để sản xuất được cao su SVRCV phải xác định được độ nhớt nguyên liệu mủ đầu vào. Độ nhớt “Mooney vicosity” hiểu đơn giản là độ cứng, mềm của sản phẩm mủ. Sản phẩm cao su SVR CV 50 thì độ nhớt phải đạt là 45 – 55, SVR CV 60 là 55 – 65.

Thông thường các công ty sơ chế cao su thiên nhiên với qui mô lớn (đại điền) xác định được trước độ nhớt dựa vào giống và vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, những thay đổi trong chế độ cạo, yếu tố thời vụ, thời tiết, công tác quản lý… vẫn ảnh hưởng đến độ nhớt đã khảo sát.

Trong khi đó, nguồn mủ từ các hộ tiểu điền rất khó xác định độ nhớt để sản xuất cao su SVR CV, mà thường sản xuất cao su loại SVR 3L (giá không cao). Ngoài dựa vào giống, vùng nguyên liệu, để xác định được độ nhớt mủ cao su, các kỹ thuật trước đó cần phải mất  đến 12 giờ và bộc lộ nhiều hạn chế.
Trăn trở trước điều này, kỹ sư Cương bắt tay vào nghiên cứu. Sau gần hai năm anh đã đưa ra được kỹ thuật “Ứng dụng vi sóng để xác định độ nhớt “Mooney viscosity” nguyên liệu mủ nước trong sản xuất SVR CV”. Kỹ thuật mới này cho phép giảm thời gian xác định độ nhớt từ 12 giờ xuống chưa đầy 20 phút. Nói về lợi ích của kỹ thuật mới, anh Cương tâm sự: việc rút ngắn thời gian làm cho đơn vị ứng dụng chủ động kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất mủ cao su có chất lượng tốt. Vì thế sản lượng cao su có chất lượng cao – SVR CV tăng lên nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Phước Hòa cho biết, nhờ ứng dụng quy trình xác định độ nhớt nhanh đã tăng được sản lượng cao su SVR CV lên nhiều lần đã mang về lợi nhuận cho công ty trên 5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó còn giảm nhiều chi phí khác như chi phí quản lý, xe vận chuyển...

Sẵn sàng chia sẻ

“Kỹ thuật này đơn giản...  một công nhân bình thường sau khi được huấn luyện cũng dễ dàng làm được. Về máy móc, thiết bị đầu tư cho kỹ thuật mới xác định độ nhớt cao su, chỉ khoảng 3 triệu đồng”, ông Trần Đức, Phó phòng quản lý chất lượng Công ty TNHH một thành viên cao su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nói. 

Trước đây việc sản xuất cao su có chất lượng SVR CV của Công ty cao su Lộc Ninh bị “rớt” rất nhiều, nhưng từ ngày áp dụng kỹ thuật, ứng dụng vi sóng để xác định độ nhớt đầu vào sản phẩm cao su có chất lượng SVR CV đạt trên 99%. 

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com