Được trồng khảo nghiệm từ năm 2010, cây thảm phủ họ đậu Mucuna Bracteata có nguồn gốc từ Ấn Độ, mang nhiều đặc tính tốt. Cây có khả năng thích nghi trên nhiều vùng, đem lại nguồn chất xanh lớn cho vườn cao su. Qua một năm triển khai khảo nghiệm trên nhiều điểm khác nhau, cho thấy thảm phủ Mucuna Bracteata có khả năng thích nghi trên diện rộng, nhiều loại đất khác nhau. Nếu có biện pháp tận dụng được nguồn chất xanh này thì đây sẽ là một phương tiện hữu hiệu trong việc thâm canh vườn cây nhất là trên những vùng đất thoái hóa.
Một số đặc tính tốt
Được sự cho phép của Bộ NN&PTNT, năm 2010, VRG nhập 2 tấn hạt giống thảm phủ họ đậu Mucuna Bracteata từ Ấn Độ. Tháng 3-4/2010, tiến hành xử lý hạt giống, gieo hạt vào bầu và từ tháng 5 đến tháng 10/2010 đem trồng xen lô cao su. 25 công ty thuộc các vùng khác nhau từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, vùng núi phía Bắc tổ chức trồng khảo nghiệm. Có 973 ha được trồng khảo nghiệm cây thảm phủ, chủ yếu trên vườn cây cao su trồng mới tái canh và một số diện tích vườn KTCB năm 2007, 2008 và 2009.
Theo Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) VRG, qua một năm trồng và theo dõi cây thảm phủ họ đậu Munuca Bracteata, ghi nhận một số đặc tính như sau: Sau khi trồng xen lô cao su, thảm phủ phát triển rất nhanh tại hầu hết các diện tích khảo nghiệm. Nhất là các đơn vị như Bình Long, Hòa Bình có diện tích trồng sớm, mật độ dày (trên 1.000 cây/ha) chỉ 5 tháng sau trồng đã tạo lớp thảm dày phủ kín mặt đất, lấn át cỏ dại và giữ ẩm tốt. So thảm Kudzu trồng đối chứng, thảm Mucuna có sinh khối cao hơn từ 1-2 lần. Khả năng chịu hạn trong mùa khô, thân và lá cây vẫn xanh tốt, phát triển bình thường trong khi cây Kudzu có dấu hiệu tàn lụi. Một số vùng khô hạn, trước đây khó thiết lập thảm Kudzu như Hà Tĩnh, Duyên hải miền Trung, khi đưa vào khảo nghiệm cây Mucuna đã sinh trưởng, phát triển tốt. Khả năng chịu lạnh cũng được ghi nhận qua việc tồn tại của thảm sau đợt rét hại vừa qua.
Ngoài ra, cây Mucuna còn có khả năng chịu rợp, phát triển tốt ở các diện tích xen trên vườn cao su sắp giao tán, có khả năng tái sinh sau khi xử lý bằng biện pháp cơ giới cày, cắt và có thể nhân giống vô tính bằng cách dâm cành. Đến nay, chưa ghi nhận vấn đề bệnh hại của cây thảm phủ ảnh hưởng tới cao su.
Vấn đề cạnh tranh nước, dinh dưỡng và biện pháp kỹ thuật
Theo ông Hà Văn Khương - Chuyên viên Ban QLKT VRG, có vấn đề cạnh tranh nước, dinh dưỡng giữa cây thảm phủ Mucuna với cây cao su tái canh ở 6/24 đơn vị tham gia khảo nghiệm. Vườn cây bị ảnh hưởng có biểu hiện như vàng lá, nặng thì rụng lá, cây sinh trưởng kém so không trồng xen hoặc trồng xen bằng thảm Kudzu.
Nguyên nhân, vườn cây tái canh trồng mới bộ rễ chưa đủ mạnh, khả năng hấp thụ nước kém, nên bị cây Mucuna cạnh tranh trong những tháng cao điểm mùa khô (tháng 3 đến 4/2010) với biểu hiện cây thiếu nước, cây vàng từng phần hoặc toàn bộ tầng lá, rụng lá. Hiện chưa thấy việc cạnh tranh nước trong mùa khô đối với các khảo nghiệm trên vườn cây KTCB 2007, 2008, có thể do diện tích cao su này bộ rễ đã phát triển đủ mạnh không bị ảnh hưởng.
Khảo sát của Ban QLKT, cho thấy việc cạnh tranh nước, dinh dưỡng là do rễ nhánh phát triển ngang (không nhiều) trực tiếp cạnh tranh với cao su non. Việc quản lý thảm phủ hạn chế cạnh tranh cao su non bằng cách hạn chế các rễ ngang bằng các biện pháp như: Mật độ, khoảng cách trồng xen hợp lý. Trồng một hàng ở giữa lô với khoảng cách 2 cây cách nhau 4 m. Khảo nghiệm cho thấy, các diện tích trồng mới mật độ thấp khoảng 350 cây/ha cho hiệu quả tốt, vườn cây không bị vấn đề cạnh tranh.
Các vườn cây trồng mật độ dày từ 1.000 - 1.500 cây/ha, vườn cây cao su có dấu hiệu bị cạnh tranh trong mùa khô. Bên cạnh đó, có thể sử dụng biện pháp cày cách ly tủ gốc cao su vào cuối mùa mưa nhằm tận dụng chất xanh, cắt đứt rễ ngang giảm cạnh tranh trong mùa khô. Ngoài việc cày cách ly thì việc tận dụng chất xanh thảm phủ, cắt thân, chừa hàng hoặc chừa gốc tái sinh, tấp tủ gốc cao su vào cuối mùa mưa còn nhằm kiềm chế phát triển của hệ rễ thảm phủ.
Qua một năm triển khai khảo nghiệm trên nhiều điểm khác nhau, cho thấy thảm phủ Mucuna Bracteata có khả năng thích nghi trên diện rộng, nhiều loại đất khác nhau. Nếu có biện pháp tận dụng được nguồn chất xanh này thì đây sẽ là một phương tiện hữu hiệu trong việc thâm canh vườn cây nhất là trên những vùng đất thoái hóa. Ngoài ra, với khả năng chịu hạn, chịu rợp bước đầu cho thấy thảm phủ này có thể tồn tại kéo dài nhiều năm trên vườn cây cao su, đây là điểm mà cây Kudzu không có được. Vấn đề cạnh tranh, cần có thời gian theo dõi và có các biện pháp kỹ thuật, quản lý để khai thác hiệu quả cây thảm phủ Mucuna mang lại, Ban QLKT VRG đúc kết.