(ĐBP) - Xác định phát triển cây cao su gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì vậy, thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động chính quyền các xã, người dân vùng dự án tham gia chăm sóc, trồng mới.
Đến nay, Tuần Giáo là huyện dẫn đầu trong toàn tỉnh cả về diện tích và chất lượng vườn cây.
Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Sau những khó khăn ban đầu trong việc vận động nhân dân góp đất với doanh nghiệp, đến nay bà con đã tin tưởng và tích cực chuyển đổi diện tích nương sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây
cao su. Dự án bước đầu đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn người dân vùng dự án. Toàn huyện hiện đã trồng trên 1.100ha cây cao su; trong đó, trồng mới và tái canh năm 2013 đạt trên 250ha. Việc thực hiện chủ trương phát triển cao su đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện điều chỉnh cơ cấu cây trồng, bố trí lại cơ cấu lao động, tạo vùng sản xuất hàng hóa và thay đổi cơ bản tập quán canh tác, trình độ sản xuất của nông dân trong vùng quy hoạch. Từ đó từng bước xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ, đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện. Tuy nhiên, công tác mở rộng diện tích trồng mới trên địa bàn gặp không ít khó khăn do một bộ phận người dân góp đất với doanh nghiệp chưa nhận hết số tiền hỗ trợ (4,5 triệu đồng/ha) theo Quyết định 16 của UBND tỉnh về chính sách phát triển cây cao su, vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ bàn giao đất. Thêm nữa, khó khăn trong khâu bảo vệ và chăm sóc vườn cây do địa bàn trồng phân tán, manh mún. Tập quán đốt nương sản xuất, chăn nuôi thả rông gia súc của bà con trong vùng khiến tình trạng gia súc phá hại vườn cây còn xảy ra, ảnh hưởng đến sinh trưởng, sự phát triển đồng đều của vườn cây.
Giúp người dân từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm phát triển cây cao su, ngoài phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể họp dân tuyên truyền chế độ chính sách, phổ biến đơn giá nhân công, thu hút lao động, Nông trường Cao su Tuần Giáo (Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) đã kịp thời giải quyết các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, thanh toán chi trả tiền lương, tiền công lao động công khai tới người dân và công nhân theo đúng đơn giá nhân công của Công ty ban hành. Tính đến cuối tháng 9, các đơn vị trực thuộc và nông trường đã tạm ứng thanh toán các hạng mục sản xuất, xây dựng với số tiền trên 10 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, ngày công của người lao động đạt 120.000 - 180.000 đồng/người/ngày (theo từng hạng mục); lương bình quân của công nhân đạt trên 3,2 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Tính, Giám đốc Nông trường Cao su Tuần Giáo cho biết: Để đảm bảo chất lượng chăm sóc vườn cây và tiến độ trồng mới theo kế hoạch, Nông trường đã tập trung huy động nhân công, lao động địa phương phục vụ công tác trồng mới theo thời vụ; bón phân thúc, phát dọn chăm sóc, làm cỏ hàng, tỉa chồi ngang, dây leo; phun kích thích sinh trưởng qua lá, phun phòng bệnh... Chính vì vậy, vườn cây phát triển khá đồng đều, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Chủ động trong công tác bảo vệ, trồng mới trong năm 2014, Nông trường Cao su Tuần Giáo phân công lịch cho cán bộ, nhân viên trực phòng cháy chữa cháy, nhất là thời gian cao điểm mùa khô hanh; làm hàng rào bảo vệ vườn cây; xây dựng 3 vườn ươm tại xã Mùn Chung, Mường Mùn với số lượng 22,5 vạn cây bầu ươm giống phục vụ mùa trồng mới. Đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở, người dân vùng dự án nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ vườn cây, đặc biệt là những vườn cây mới trồng, cách xa khu dân cư, giao thông cách trở.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên: Cây cao su trồng tại huyện Tuần Giáo thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, phát triển tốt. Với cơ cấu giống đa dạng, chất lượng cây giống tốt, tốc độ sinh trưởng đảm bảo, có khả năng chịu lạnh, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Cùng với chính sách của tỉnh kịp thời khuyến khích bà con phát triển cây cao su, góp phần tích cực đa dạng hóa cây trồng, mở ra hướng đi mới cho người dân xóa đói giảm nghèo. Với những ưu điểm góp phần phủ xanh đồi núi trọc, tạo việc làm cho nhiều người lao động, đem lại giá trị kinh tế cao, chắc chắn trong tương lai không xa, những dòng "vàng trắng" sẽ góp phần làm cho đời sống của người dân nơi đây thêm no ấm.