Hotline: 0908961396

Phòng trị bệnh rụng lá Corynespora trên cây cao su

31/05/2012
Phòng trị bệnh rụng lá Corynespora trên cây cao su
Xin giới thiệu các bạn bài viết của tác giả Nguyễn Anh Nghĩa và Phan Thành Dũng – Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam trong hội nghi tổng kết nông nghiệp của VRG tổ chức năm 2011 về việc phòng và trị bệnh Corynespora trên cây cao su.

 Bệnh rụng lá Corynespora trên cây cao su do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei gây ra. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên trên cây cao su tại Sierra Leone (1936), tiếp theo bệnh xuất hiện lần lượt tại hầu hết các nước trồng cao su trên thế giới. Ban đầu được xem là bệnh gây hại không đáng kể ở vườn nhân và chỉ xuất hiện trên một vài dòng vô tính (DVT) cao su. Càng ngày bệnh này càng trở nên nghiêm trọng và trở thành đại dịch ở nhiều quốc gia. Bệnh có thể phát sinh, phát triển quanh năm và gây hại mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cao su, nhất là các dvt cao su mẫn cảm. Do khả năng tiết ra độc chất và gây rụng lá hàng loạt, bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, sản lượng cao su, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho ngành trồng cao su ở nhiều nước. Do vậy bệnh rụng lá Corynespora được coi là loại bệnh nguy hiểm nhất của cây cao su khu vực châu Á và Phi.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên trên cây cao su tại Việt Nam vào tháng 8 năm 1999, gây hại nặng cho các dòng vô tính RRIC 103, RRIC 104 và LH 88/372,… Năm 2009, dịch bệnh xuất hiện gây hại nặng cho gần 3.000 ha cao su tại Quảng Nam và Sa Thầy. Năm 2010, bệnh đã phát sinh trên diện rộng ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung, tập trung trên dòng vô tính cao su RRIV 4, hiện chiếm diện tích đã trồng khá lớn ở cả vùng cao su đại điền và tiểu điền.

Các đơn vị có vườn cây bị bệnh nặng như Sa Thầy, Quảng Nam, Tây Ninh, Dầu Tiếng, Đồng Phú… đã tích cực phòng trị theo Quy trình Kỹ thuật và tư vấn của Viện Nghiên cứu Cao su, bệnh đã được khống chế, ngưng phát triển thêm. Đến cuối năm bệnh giảm bớt, nhiều vườn cây phục hồi, sinh trưởng phát triển lại bình thường. Việc sử dụng các loại hóa chất theo quy trình và tư vấn khuyến cáo của Viện là có hiệu quả và rõ ràng Corynespora không phải là bệnh không trị được. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh bắt đầu phát sinh trở lại tại một số nơi, đặc biệt là ở những vùng phát sinh bệnh nặng năm ngoái.

Tháng 9/2010 Viện Nghiên cứu Cao su đã phối hợp với cục BVTV xây dựng “Quy trình kỹ thuật tạm thời phòng trừ bệnh rụng lá Corynepora trên cây cao su do nấm Corynespora cassiicola gây ra” và đã được cục BVTV ký công văn ban hành ngày 23/09/2011 (số 1630/BVTV-CV). Báo cáo này trình bày phương pháp phòng trị bệnh rụng lá Corynespora dựa trên quy trình đã được ban hành và những kết quả triển khai thành công của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam.

Triệu chứng bệnh

Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường gọi bệnh này là bệnh “vàng lá rụng lá” vì lá bị nhiễm bệnh sẽ vàng và rụng đi. Tuy nhiên cách gọi như vậy dễ gây nhầm lẫn. Đề nghị gọi chính xác tên là “Bệnh rụng lá Corynespora”. Hiện tượng vàng lá rụng lá trên cây cao su có thể do nhiều nguyên nhân: cây bị bệnh khác, thiếu hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, cháy nắng, khô hạn, úng nước, vàng rụng lá sinh lý, đôi khi do thời tiết lá vàng và rụng nhiều hơn bình thường. Cần xác định đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp. Tránh trường hợp áp dụng các biện pháp không phù hợp, không theo khuyến cáo mà theo truyền miệng, tốn kém không hiệu quả, triệu chứng không bớt dẫn đến hoang mang không đáng có. Riêng đối với trường hợp bệnh rụng lá Corynespora, có thể nhận biết thông qua các triệu chứng được mô tả dưới đây, kết hợp với một số hiện tượng trên vườn cây: lá vàng không chỉ ở tầng dưới mà còn ở tầng giữa và tầng trên. Nhìn từ dưới lên có thể thấy lá bệnh bị vàng lốm đốm, không vàng đều như vàng lá sinh lý. Các lá non trên ngọn, không phẳng mà bị xoăn lại, biến dạng. Một số chồi lá bị rụng trơ chìa. Lá rụng trên vườn có cả lá già lẫn lá non kết hợp với những vết bệnh trên lá.

Phòng trị bệnh rụng lá Corynespora trên cây cao su

Triệu chứng tùy thuộc vào vị trí bị hại như: lá, cuống lá và chồi. Triệu chứng trên lá dễ nhận diện nhất, nhưng có sự thay đổi lớn trong thời gian gần đây. Sự xuất hiện của các triệu chứng bệnh tùy thuộc vào tính mẫn cảm của dòng vô tính, điều kiện thời tiết.

 Trên lá: Trên lá non vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với vòng màu vàng bao xung quanh, tại trung tâm vết bệnh đôi khi hình thành lỗ, lá bị hại xoăn lại biến dạng sau đó rụng toàn bộ. Những lá đã chuyển màu xanh, triệu chứng đặc trưng với vết bệnh màu vàng sau chuyển màu đen, đường kính khoảng 1-3 mm, phân bố dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi các vết lan rộng gây chết từng phần lá do sự phá hủy của diệp lục, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng – vàng cam và rụng từng lá một. Trên lá già một số vết bệnh xuất hiện vết thủng.

Trên chồi và cuống lá: Các chồi xanh dễ nhiễm, đôi khi nấm bệnh cũng gây hại chồi đã hóa nâu. Dấu hiệu đầu tiên với vết nứt dọc theo cuống và chồi có dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, đôi khi chết cả cây. Nếu dùng dao cắt bỏ lớp vỏ ngoài sẽ xuất hiện những sọc đen ăn sâu trên gỗ, chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá với vết nứt màu đen có chiều dài 0,5 – 3,0 mm. Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét bị rụng khi còn xanh dù không có một triệu chứng nào xuất hiện trên phiến lá (do nấm bệnh tiết độc tố).

Đặc điểm phát sinh, phát triển và tác hại.

Nấm có khả năng tồn tại và phát triển trong phạm vi nhiệt độ lớn. Nhiệt độ và ẩm độ cao là thích hợp nhất cho nấm (28 ± 2°C, ẩm độ bảo hòa).

Bào tử có khả năng tồn tại trên các vết bệnh hoặc trong đất với thời gian dài, trên lá cao su khô nấm vẫn tồn tại và giữ nguyên khả năng gây bệnh đến 3 tháng. Lá bệnh và cây con bị nhiễm bệnh từ vườn ươm là nguồn nấm bệnh chủ yếu.

 Bào tử phóng thích vào ban ngày và cao điểm từ 8-11 giờ. Sau thời gian mưa nhiều và tiếp theo nắng ráo, số lượng bào tử phóng thích nhiều nhất.

 Bệnh có thể phát sinh quanh năm, đặc biệt cao điểm trong giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa (tháng 5 – 6) khi có những cơn mưa đầu mùa tạo ẩm độ cao tiếp theo sau là những ngày nắng nóng và khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn là điều kiện rất thuận lợi cho bào tử phát sinh và phát tán khiến bệnh bùng phát.

Nấm có khả năng gây hại cho cả lá già và non cũng như cuống lá và chồi. Hơn nữa, do phát sinh quanh năm và nấm có thể tấn công gây hại trên tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây cao su từ vườn ương, nhân đến vườn cây kiến thiết cơ bản và cả vườn cây khai thác ở mọi lứa tuổi nên bệnh có tác hại lớn, nhất là các dòng vô tính cao su mẫn cảm như RRIV 4.

 Vườn cây kiến thiết cơ bản bị nhiễm bệnh sẽ giảm sinh trưởng dẫn đến phải kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản. Vườn cây khai thác bị nhiễm bệnh, sản lượng bị sụt giảm có thể đạt đến trên 30%.

Biện pháp phòng trừ

Do nấm bệnh gây hại quanh năm và trong suốt giai đoạn sinh trưởng từ vườn ương đến vườn khai thác, nên quản lý bệnh rụng lá cây cao su cần phải thực hiện biện pháp quản lý mang tính tổng hợp.

Về lâu dài:

- Chọn và trồng các dòng vô tính cao su kháng hoặc chống chịu bệnh có vai trò chính. Không nhân giống và trồng các dòng vô tính mẫn cảm như: RRIC 103, RRIC 104, KRS 21, RRIM 725, RRIM 600, Fx 25, IAN 873, PPN 2058, PPN 2444, PPN 2447, RRIV 2, RRIV 3 và RRIV 4.

- Xác định tỷ lệ, cơ cấu giống cao su trồng phù hợp với điều kiện địa phương trong tình hình bệnh đang phát sinh và gây hại để có thể vừa làm tốt công tác quản lý bệnh và đảm bảo sản xuất phát triển.

- Không độc canh một  dòng vô tính trên diện tích lớn.

- Không sử dụng cây con không có nguồn gốc và lẫn tạp giống

- Xử lý sạch bệnh trên cây con trước khi đưa ra trồng.

Trước mắt:

- Những vườn cao su dưới 2 năm tuổi đã trồng bằng các dòng vô tính nhiễm bệnh, thực hiện ghép chồng đổi giống hoặc ghép tán bằng dòng vô tính cao su kháng bệnh hoặc chống chịu bệnh. Những vườn đã trồng bằng dòng vô tính cao su nhiễm bệnh trên 2 năm tuổi, vẫn duy trì nhưng cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh phát sinh, phun kịp thời bằng thuốc trừ bệnh với các thiết bị phun phù hợp.

- Trong điều kiện bệnh có thể phát sinh phát triển mạnh và cây cao su có tỷ lệ từ khoảng 10% số lá bị nhiễm bệnh trở lên, cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

  Phun trị bệnh:

Thuốc trừ nấm bệnh: Dùng các loại thuốc trừ nấm bệnh có gốc hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC, Centervin 5 SC, Indiavin 5 SC, …), carbendazim (Vicarben 50SC, Carbenzim 500FL, Carbenvil 50SC, Carban 50 SC, Benzimidin 50SC…) hoặc các loại thuốc phối trộn sẵn gốc carbendazim và hexaconazole(Vixazol 275SC, Arivit 250SC, Calivil 55SC…).

Công thức: Áp dụng 1 trong những công thức: (1) hexaconazole (5% a.i) nồng độ 0,2 – 0,3%; (2) Hỗn hợpcarbendazim (50% a.i) 0,1-0,15% + hexaconazole (5% a.i) 0,1-0,15% (phối trộn theo tỷ lệ 1:1); (3) Thuốc phối trộn sẵn gốc carbendazim và gốc hexaconazole nồng độ tùy vào hàm lượng thuốc gốc (0,2-0,3%). Pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2% (vườn ương, nhân, vườn năm 1), 0,3%  (vườn năm 2-4), 0,5% (vườn năm 5 trở đi).

Thiết bị phun: Đối với vườn ương, nhân, vườn kiến thiết cơ bản chưa khép tán, có chiều cao tán lá thấp, dùng bình phun đeo vai dung tích 8 lít hoặc 16 lít. Đối với vườn đã khép tán, có chiều cao tán lá trên 4 m, dùng máy bơm phun cao áp với công suất đủ phun thuốc tới ngọn, máy phun chuyên dụng Jactor.

Cách xử lý: Đối với vườn ương, nhân, phun ướt toàn bộ lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá. Đối với vườn sản xuất, phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá và phun tới ngọn. Phun vào buổi sáng sớm và ngưng khi trời bắt đầu nắng gắt (10h-10h30), nếu phun quá trưa, thuốc dễ bị phân hủy và cây có thể bị sốc thuốc. Không nên phun vào buổi chiều, mưa chiều sẽ làm trôi thuốc. Lượng nước phun cho 1 ha: 600-800 lít; may phun Jactor 250 – 400 lít . Chu kỳ phun 3 đợt cách nhau 7-10 ngày.

Các biện pháp canh tác bổ sung

- Vườn cây đang khai thác phải ngừng khai thác nếu bệnh nặng hoặc chuyển sang nhịp độ cạo d3 không được cạo d2, không bôi chất kích thích.

- Tăng cường chăm sóc bón phân đầy đủ, hợp lý để cây sinh trưởng phát triển khỏe. Bón tăng lượng phân kali lên so với quy trình khoảng 25% để cây tăng sức chống chịu sự xâm nhiễm gây hại của nấm bệnh.

- Vệ sinh toàn bộ vườn cao su đã bị bệnh, thu gom các lá, cuống lá, cành, chồi non bị bệnh đã rụng dưới đất để tiêu hủy nhằm làm giảm nguồn nấm bệnh lưu chuyển trên đồng ruộng.

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt ở thời điểm chuyển mùa nắng sang mùa mưa (tháng 5 – 6) và khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát trở lại.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com