Sáng 21-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo dự thảo luật, xăng sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường 1.000-4.000 đồng/lít, các loại dầu 300-2.000 đồng/lít (kg).
Khai thác các loại than cũng sẽ phải nộp thuế môi trường 10.000-30.000 đồng/tấn. Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, bảo quản lâm sản thuộc dạng hạn chế sử dụng sẽ bị đánh thuế 500-3.000 đồng/kg. Đặc biệt, để hạn chế sử dụng túi nilông, dự thảo luật quy định sẽ đánh thuế 30.000-50.000 đồng/kg.
Nhiều đại biểu băn khoăn về việc bỏ phí xăng, thay vào đó là thuế 1.000-4.000 đồng/lít có thể khiến giá xăng tiến tới 20.000 đồng/lít, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giải trình, tiếp thu đã đề nghị Chính phủ chỉ nên áp dụng mức thuế sàn 1.000 đồng/lít xăng để không ảnh hưởng đến giá cả. Nếu áp dụng mức cao hơn thì phải điều chỉnh thuế. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị tăng mức thuế với túi nilông vì tình trạng sử dụng tràn lan túi nilông đã đến mức báo động, ảnh hưởng tới môi trường.
* Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Nhiều đại biểu cho rằng hiện nay thị trường bảo hiểm đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật, thông đồng với các đại lý chi trả hoa hồng tới trên 50% khiến chất lượng dịch vụ bảo hiểm rất thấp.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) đề nghị cần quy định vào luật các chế tài thật cụ thể và đủ mạnh để xử lý vi phạm, làm lành mạnh hóa thị trường. Ông Dũng cũng đề nghị luật nên giải thích xem những loại bảo hiểm mà trong nước không có, chẳng hạn như cầu thủ cần bảo hiểm đôi chân, hoa hậu cần bảo hiểm lỗ mũi... thì người dân có được mua dịch vụ bảo hiểm của nước ngoài hay không.
Lo ngại sự yếu thế của doanh nghiệp bảo hiểm trong nước trước doanh nghiệp nước ngoài, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (Thái Nguyên) cho rằng sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết khi gia nhập WTO là cần thiết, tuy nhiên khi mở cửa cho bên ngoài vào thì doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh, “liệu chúng ta có đủ sức không, vì vậy phải có cơ chế gì, mở ra như thế nào, mức nào cho phù hợp.
Chúng ta không thể đóng cửa nhưng mở thế nào phải có cái van, chứ không được mở toang”. Ông Nguyễn Tấn Quyên - bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho rằng các nước phát triển đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong khi đó đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, vì vậy đi kèm với lộ trình thực hiện cam kết WTO phải có chế tài ràng buộc, ví dụ như quy định cụ thể cấp phép cho doanh nghiệp bảo hiểm có yếu tố nước ngoài thì như thế nào, cổ phần như thế nào cho hợp lý.