Tận dụng thời cơ giá mủ tăng cao, nhiều hộ cao su tiểu điền do hám lợi đang vắt kiệt sức vườn cao su. Không chỉ tăng chế độ cạo, họ còn sử dụng thuốc kích thích vô tội vạ để “ép” cây cho mủ. Việc chạy theo lợi nhuận trước mắt này, sẽ gây hậu quả lâu dài về sau. Việc sử dụng thuốc kích thích phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không nên lạm dụng. Không phải giống cây nào cũng bôi thuốc kích thích, nồng độ bôi cũng khác nhau tùy thuộc độ tuổi cây, vị trí miệng cạo và cường độ khai thác.
Thuốc kích thích mủ: Rất khó kiểm soát
Ông Phan Thành Dũng - Phó Viện trưởng Viện NCCS VN, cho hay hiện nay trên thị trường bày bán rất nhiều loại thuốc kích thích mủ, đa phần là thuốc lậu, thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, rất khó kiểm soát. Nông dân tìm mua khá dễ dàng, thuốc dạng lỏng, giống như nước và giá thành rất rẻ. Chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng có thể mua được vài chục ml, đem về pha loãng với nước là có thể bôi từ 1,5 ha đến 2 ha.
Khi giá mủ tăng cao, rất nhiều người sử dụng thuốc kích thích mủ, không chỉ các hộ tiểu điền, một số công ty không quản lý công nhân kỹ cũng rất dễ bị bôi lén. Nhất là những nơi ăn chia sản phẩm, người ta lạm dụng thuốc rất nhiều.
Một hộ tiểu điền tại huyện Chơn Thành (Bình Phước), cho biết bôi thuốc kích thích mủ ra rất nhiều. Khoảng 1 tuần ông bôi một lần. Thời gian đầu cây cho mủ nhiều, nhưng càng về sau mủ ít đi, một số cây khô miệng cạo. Nếu không tiếp tục bôi thuốc cây không cho mủ.
Theo ông Dũng, loại hóa chất kích thích mủ được sử dụng có hoạt chất là ethrel. Khi mới sử dụng, cây cho mủ tăng từ 20% đến 30%. Tuy nhiên, lạm dụng quá mức sẽ làm vườn cây giảm sản lượng, cây khô miệng cạo. Nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài cây khô mặt cạo, khô mủ, chu kỳ khai thác rút ngắn lại. Việc sử dụng thuốc kích thích phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không nên lạm dụng. Không phải giống cây nào cũng bôi thuốc kích thích, nồng độ bôi cũng khác nhau tùy thuộc độ tuổi cây, vị trí miệng cạo và cường độ khai thác.
Sử dụng không quá 4 đến 8 lần/năm
Theo khuyến cáo của quy trình kỹ thuật do VRG ban hành từ năm 2004, tùy theo tuổi cây sử dụng 4 đến 8 lần/năm. Tuổi cây non xử lý 4 lần/năm, tuổi cây già 8 lần/năm. Tối đa 1 tháng sử dụng 1 lần. Nồng độ với cây tơ sử dụng 1,25%, cây trung niên sử dụng 2,5%, cây trước khi thanh lý khoảng 2 đến 3 năm sử dụng nồng độ 5%. Thời vụ bôi thuốc kích thích: Đông Nam bộ và Tây Nguyên bôi vào các tháng 5, 6, 7, 10, 11, và 12; Bắc Trung bộ, bôi vào tháng 5, 6, 7, 8, 9 và 10. Bôi trước nhát cạo kế tiếp 24 đến 48 giờ. Không bôi khi cây còn ướt, lúc trời sắp mưa. Tuyệt đối không được bôi trong mùa khô, mùa rụng lá.
Phương pháp bôi thuốc kích thích mủ: Bôi lên vỏ tái sinh (phương pháp Pa), sau khi khuấy đều thuốc, dùng cọ nhỏ bôi một băng rộng 1cm, mỏng đều trên vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo; bôi trên miệng cạo không bóc lớp mủ dây (phương pháp La), sau khi khuấy đều thuốc kích thích, dùng cọ nhỏ bôi một lớp mỏng đều ngay trên miệng cạo, phương pháp này áp dụng cho miệng cạo úp.
Liều lượng sử dụng và nhịp độ bôi thuốc kích thích: Cây có tuổi cạo từ 1 - 5, bôi từ 0,5 - 1 gam/cây/lần theo phương pháp Pa; cây từ 6 - 10 tuổi, bôi từ 0,75 - 1,5 gam/cây/lần theo phương pháp Pa; cây trên 10 tuổi, bôi từ 1 - 2 gam/cây/lần theo phương pháp Pa, từ 0,75 - 2 gam/cây/lần theo phương pháp La. Khoảng cách giữa hai lần bôi ít nhất 4 tuần. Chỉ bôi thuốc cho những cây sinh trưởng bình thường, kỹ thuật cạo tốt. Không bôi cho cây bị bệnh nấm hồng, cụt đọt, cây bị bệnh loét sọc miệng cạo nặng, cây rụng hết lá do bệnh rụng lá mùa mưa, cây có dấu hiệu khô miệng cạo hoặc những cây quá nhỏ. Nếu hàm lượng
cao su khô (DRC) của vườn cây dưới 25% thì không sử dụng thuốc kích thích mủ.
Khi sử dụng thuốc, tránh để thuốc dính lên da, mắt. Trong trường hợp bị dính vào da phải rửa ngay bằng xà phòng và nước ấm. Nếu bị dính vào mắt phải rửa mắt ngày nhiều lần bằng nước sạch. Sau khi sử dụng phải hủy bỏ bao bì đựng thuốc kích thích, không sử dụng lại. Khi bôi thuốc cho miệng cạo cao phải mang kính phòng hộ để tránh thuốc rơi vào mắt.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay trên thị trường người ta quảng cáo thuốc trị loét sọc miệng cạo, thật ra đó là ethrel nồng độ cao, có khi đến 10%. Càng bôi thuốc này, cây càng kiệt sức, ở một, hai lát cạo đầu có thể cho mủ, nhưng sau đó cây khô mủ luôn.