Tăng trưởng ngành nhựa trong năm 2013 chậm lại
03/06/2013
Xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây liên tục tăng trưởng khả quan, tính cạnh tranh ngày càng được nâng cao, là một trong 10 ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ngành nhựa nước ta vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi đó, những chi phí đầu vào liên tục tăng, sản phẩm sản xuất ra không thể tăng cao do yếu tố cạnh tranh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn mà đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kim ngạch thu về từ hoạt động xuất khẩu các sản phẩm này tuy có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng trên thực tế lợi nhuận thu về lại không tương xứng. Thời gian qua có khoảng trên 20% trong tổng số các doanh nghiệp của ngành đã phải đóng cửa do không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất. Từ những khó khăn trên cộng với tình hình kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, khoảng từ 11-13,5% so với năm 2012.
1. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong 10 năm trở lại đây, ngành nhựa Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng khá tốt, riêng trong năm vừa qua, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa đạt cao nhất (tới gần gấp rưỡi so với năm 2011) do được các khách hàng đánh giá cao về chất lượng, nhiều khách hàng đã chuyển hướng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam. Là một trong 10 ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển bởi có tỷ lệ tăng trưởng tốt và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên hiện nay, ngành nhựa nước ta vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Bên cạnh đó, những chi phí đầu vào như: xăng, điện, nước, nguyên vật liệu… ngày càng tăng đang là gánh nặng với các doanh nghiệp ngành nhựa, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp này không thuận lợi như những đơn vị lớn... Mà đặc thù của ngành hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy mà trong bối cảnh hiện nay, khó khăn nhất của doanh nghiệp ngành nhựa vẫn là vấn đề về vốn. Tuy có tốc độ tăng trưởng tốt về kim ngạch, nhưng trên thực tế, lợi nhuận thu được lại không tương xứng do chi phí đầu vào cao trong khi đầu ra không thể tăng mạnh. Do vậy, thời gian qua đã có khoảng trên 20% trong tổng số các doanh nghiệp của ngành đã phải đóng cửa do không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất. Từ những khó khăn trên cộng với tình hình kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, khoảng từ 11-13,5% so với năm 2012. Tuy nhiên, trong thời gian tới ngành nhựa vẫn có tiềm năng phát triển tốt bởi tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng nhóm sản phẩm này trên thế giới ngày càng tăng mạnh. Ngành nhựa Việt Nam đang hướng tới trở thành ngành công nghiệp tiên tiến, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có tính cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước, có khả năng xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao với sản lượng ngày càng lớn. Trong quy hoạch đến năm 2020, mục tiêu của ngành là chuyển dịch cơ cấu nhóm sản phẩm nhựa theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và kỹ thuật. 2. Tình hình xuất khẩu thực tế trong tháng 2/2013. + Kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 2/2013, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam chỉ đạt 98,2 triệu USD, giảm 37,8% so với tháng 1/2013 và giảm 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 2/2013, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đã đạt 256,8 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến giữa tháng 3/2013, xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt trên 333 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2012. + Thị trường xuất khẩu. Trong những tháng đầu năm 2013, EU, Nhật Bản, Mỹ và Campuchia vẫn là những thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm nhựa của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản vẫn đang là thị trường đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu nhiều nhất nhóm hàng này trong 5 năm trở lại đây. Túi nhựa, sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển đóng gói, sản phẩm nhựa công nghiệp là ba sản phẩm chính được xuất khẩu sang thị trường này những tháng đầu năm nay. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tới thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 57,27 triệu USD, tăng 13,94% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng 22,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Phương thức thanh toán mà các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất khi xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang thị trường này trong tháng 2/2013 là TTR; tiếp theo là TT, LC. Tiếp đến là thị trường Campuchia, xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang thị trường này trong 2 tháng qua cũng đạt tới 25,77 triệu USD, tăng tới 105,86% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm tỷ trọng 10% trong tổng kim ngạch; TTR, TT, Cash, LC là những phương thức thanh toán được các doanh nghiệp sử dụng trong tháng 2/2013. Xuất khẩu sang Mỹ 2 tháng qua cũng đạt 25,67 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng chiếm tỷ trọng 10% trong tổng kim ngạch; phương thức thanh toán mà các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất khi xuất khẩu sang thị trường này là: TT, tiếp đến là TTR, CAD, H-D-H. Hiện Campuchia đã vượt Mỹ trở thành thị trường lớn thứ 2 sau Nhật Bản về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang được đánh giá là thị trường tiềm năng và đầy triển vọng về xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tương lai bởi phạm vi sử dụng sản phẩm nhựa trong các ngành công nghiệp của Ấn Độ đang được mở rộng, nhu cầu đóng gói tăng mạnh, sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, thu nhập khả dụng tăng và sự tập trung dân cư tại thành thị… đã đẩy nhu cầu về sản phẩm nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng có sử dụng nhựa tăng mạnh. Các phương thức thanh toán mà các doanh nghiệp thường hay sử dụng khi xuất khẩu sang thị trường này trong 2 tháng qua bao gồm: TT và TTR. Hiện nay, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng và ít độc hại hơn so với những sản phẩm của Trung Quốc. Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu các sản phẩm nhựa sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt do nhu cầu của các thị trường trên vẫn rất lớn.
Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo midlandrubber.com