Hotline: 0908961396

Thị trường cao su còn nhiều biến động

24/03/2016
Thị trường cao su còn nhiều biến động
Theo thông lệ, thời điểm đầu mùa khô khi ngành cao su tạm ngưng khai thác thì giá mủ cao su trên thị trường sẽ tăng.
 Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2016, giá mủ cao su vẫn thấp hơn mức giá bình quân của năm 2015. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên giá còn thấp hơn so với vùng Đông Nam Bộ do đặc thù địa lý xa cảng, xa thị trường giao dịch…
 
Ngay từ đầu năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã dự báo thị trường cao su sẽ có biến động về giá, thậm chí giá bán có thể rơi xuống đáy. Do đó, Tập đoàn đã khuyến nghị các công ty thành viên cần có phương án chủ động đối phó, cũng như ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, cùng nhau nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.
 
Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông xác định vừa duy trì sản phẩm truyền thống vừa gia tăng sản lượng cao su khối – vốn được các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu ưa chuộng. Năm 2015, Công ty đã xuất khẩu trực tiếp 2.001,4 tấn (tương đương 27,3% sản lượng tiêu thụ) và nội tiêu 5.332,5 tấn (tương đương 72,7% sản lượng tiêu thụ). Để tiêu thụ tốt sản phẩm, Công ty luôn coi trọng chất lượng hàng xuất, duy trì hợp đồng xuất khẩu trực tiếp dài hạn mủ Latex cô đặc với đối tác Hoa Kỳ.
 
Năm 2016 này, Công ty nâng kế hoạch xuất khẩu trực tiếp lên 2.100 tấn (tương đương 30% sản lượng tiêu thụ) và 1.000 tấn ủy thác (tương đương 14%). Để làm được điều này, việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của khách hàng là vô cùng quan trọng. Đồng thời, chú trọng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như mủ Latex cô đặc, mủ cốm SVR CV50, CV60, linh hoạt theo nhu cầu khách hàng theo từng thời điểm.
 
Tương tự, một thành viên khác của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh giữ quan điểm tiếp tục thực hiện chủ trương cắt giảm các khoản chi phí chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm chi phí sản xuất, tuyệt đối không vay vốn ngắn hạn để hạ giá thành sản phẩm.
 
Theo đó, Công ty đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa, tích cực triển khai trồng xen canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất để giảm suất đầu tư cao su kiến thiết cơ bản, cải tiến công tác quản lý để giảm chi phí chung thấp hơn 20% so với suất đầu tư trước đây. Hiện nay, ngoài nỗ lực duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Công ty đang có những bước đi cần thiết để thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường sang Afghanistan, Nhật Bản.
 
Ở thời điểm cuối quý I/2016, đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường cao su đang ấm lại, hầu hết các công ty trên địa bàn Tây Nguyên đã giải phóng được hàng tồn kho. Với tinh thần chủ động, các công ty đã và đang nhập cuộc với kế hoạch, giải pháp kinh doanh linh hoạt nhằm giải quyết nút thắt về giá thành – giá bán, hướng tới các thị trường tiềm năng bằng cách thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Tánh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pah nhấn mạnh: Trong năm nay, chúng tôi chủ trương không vay vốn ngắn hạn để hạ giá thành sản phẩm, bán hàng nhanh để luân chuyển vốn nhanh. Sắp tới, Công ty hướng tới các thị trường mới bằng các sản phẩm chất lượng, uy tín, nâng cao tính cạnh tranh. Để làm được điều này, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy mới với tổng chi phí 57,16 tỷ đồng, đầu tư 11,8 tỷ đồng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải. Đối với giải pháp tăng sản lượng cũng cần tính toán kỹ vì có giới hạn riêng, do đó Công ty tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, ổn định lực lượng lao động, tăng năng suất lao động nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – nhìn nhận rằng, năm 2015, toàn Tập đoàn hiện có 415 ngàn ha cao su, sản lượng khai thác đạt 264 ngàn tấn, lợi nhuận đạt 2.700 tỷ đồng, riêng lợi nhuận từ cao su là 245 tỷ đồng. Trên địa bàn Tây Nguyên có 3 công ty báo cáo lỗ ngành hàng cao su nhưng đã bù lại bằng doanh thu khác, vẫn ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo thu nhập – đời sống cho người lao động, đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận.
 
Đối với năm 2016, nhiều khả năng giá bán sẽ không tăng nên đề nghị các công ty cần tiếp tục tiết giảm suất đầu tư cho vườn cây, nâng cao năng suất lao động để hạ giá thành. Trong điều kiện hiện nay, Tập đoàn khuyến nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chuẩn bị các tiền đề phục vụ lộ trình cổ phần hóa. Mặt khác, cần tính toán hợp lý để duy trì đầu tư ra nước ngoài. Chỉ một vài năm tới khi vườn cây ở nước ngoài đi vào khai thác sẽ góp phần tăng sản lượng khai thác, hạ giá thành sản xuất.
 
Theo Sơn Ca (Báo Gia Lai)