Hotline: 0908961396

Ứng dụng công nghệ hồ tảo trong xử lý nước thải chế biến cao su

31/01/2012
Ứng dụng công nghệ hồ tảo trong xử lý nước thải chế biến cao su
Ngày 18/10, tại Hội nghị Ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật trong Công nghệ chế biến cao su, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Công nghệ (Viện Nghiên cứu Cao su VN) đã báo cáo kết quả sơ bộ khi áp dụng công nghệ hồ tảo trong hệ thống xử lý nước thải tại 5 nhà máy: Thuận Phú, Ngọc Hồi, Krông Buk, Lộc Hiệp và Xưởng Cao su tờ Lai Khê.

Các công đoạn xử lý nước thải bằng hồ tảo

Hệ thống xử lý nước thải bằng hồ tảo của Viện NCCS VN gồm có các công đoạn sau: Gạn mủ kết hợp với xử lý sinh học kỵ khí: Công đoạn này được thực hiện tại bể kỵ khí kết hợp. Bể kỵ khí kết hợp là kết quả nghiên cứu của Viện trong 2 năm 2001 - 2002. Đây là sự kết hợp giữa bể kỵ khí Vách ngăn (Baffled Anaerobic Tank) với bể gạn mủ hiệu suất cao theo thiết kế của Viện NCCS VN.

Đồng hóa nitơ kết hợp với xử lý sinh học hiếu khí: Công đoạn này được thực hiện tại bể tảo Chlorella. Công nghệ này là kết quả nghiên cứu của Viện trong 2 năm 2001 - 2002, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 829 ngày 10/5/2010.

Ổn định sinh học: Công đoạn này được thực hiện tại bể ổn định. Đây là công nghệ sẵn có.

Mục tiêu áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng hồ tảo của Viện là không gây mùi hôi trong quá trình xử lý, không tiêu hao hóa chất, không tiêu hao điện năng, vận hành đơn giản.

Kết quả áp dụng công nghệ hồ tảo tại 5 nhà máy thuộc VRG

Nhà máy Thuận Phú: Công nghệ cho hệ thống xử lý nước thải là 1700 m3/ngày (905m3/ngày từ dây chuyền SVR 3L, 5L, CV50, CV 60; 795m3/ngày từ dây chuyền SVR 10, 20. Kết quả xử lý nước thải tại Nhà máy Thuận Phú chưa đạt yêu cầu của QCVN 01:2008/BTNMT ở 3 chỉ tiêu: chất rắn lơ lửng, tổng nitơ và ammoniac (tính theo N). Hệ thống vẫn còn đang được tiếp tục theo dõi đánh giá hiệu quả của các biện pháp khắc phục thiếu sót nói trên.

Nhà máy Ngọc Hồi: Công nghệ cho hệ thống xử lý nước thải là 650 m3/ngày (500m3/ngày từ dây chuyền SVR 3L; 150m3/ngày từ dây chuyền SVR 10, 20); Kết quả xử lý nước thải tại Nhà máy Ngọc Hồi chưa đạt yêu cầu của QCVN 01:2008/BTNMT ở 2 chỉ tiêu: tổng nitơ và ammoniac (tính theo N). Hệ thống vẫn còn đang được tiếp tục theo dõi và chuẩn bị áp dụng biện pháp bơm hồi lưu để tăng cường hiệu suất khuấy trộn của các bể tảo nhằm mục đích tăng hiệu quả xử lý ammoniac.

Nhà máy Krông Buk: Công nghệ cho hệ thống xử lý nước thải là 900 m3/ngày (600m3/ngày từ dây chuyền SVR 3L; 300m3/ngày từ dây chuyền SVR 10, 20). Kết quả xử lý nước thải tại Nhà máy Krông Buk chưa đạt yêu cầu của QCVN 01:2008/BTNMT ở chỉ tiêu: BOD, đang được tiếp tục theo dõi đánh giá.

Nhà máy Lộc Hiệp: Công nghệ cho hệ thống xử lý nước thải là 1500 m3/ngày. Tính đến nay hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Lộc Hiệp vẫn đang trong thời gian vận hành khởi động, khối lượng nước thải đưa vào hệ thống vẫn còn rất thấp (khoảng 200m3/ngày từ dây chuyền SVR 10, 20 của Nhà máy Lộc Hiệp cũ), do đó việc lấy mẫu thử đánh giá chưa được thực hiện.

Xưởng Cao su tờ Lai Khê: Công nghệ cho hệ thống xử lý nước thải là 90 m3/ngày. Kết quả xử lý nước thải tại Xưởng Cao su tờ Lai Khê đạt yêu cầu của QCVN 01:2008/BTNMT.

Những mặt hạn chế cần khắc phục

Qua thực tế áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng hồ tảo tại 5 nhà máy chế biến cao su thuộc VRG, TS Nguyễn Ngọc Bích, nhận xét: “Trong 3 công đoạn của hệ thống công nghệ, công nghệ gạn mủ và xử lý sinh học đạt kết quả tốt nhất, kế đến là công đoạn đồng hóa nitơ kết hợp với xử lý sinh học và công đoạn ổn định sinh học  (hiệu suất khử BOD: 98%, hiệu suất khử nitơ: 86%). Nhìn chung, công nghệ hồ tảo đã đạt 3/4 mục tiêu đề ra: không gây mùi hôi trong quá trình xử lý, không tiêu hao hóa chất, vận hành đơn giản. Tuy nhiên, mục tiêu không tiêu hao điện năng đã không đạt được vì thực tế tồn tại khả năng phải sử dụng bơm hồi lưu để tăng hiệu suất khuấy trộn cho các bể tảo. Thế nhưng, điện năng tiêu thụ cho máy bơm hồi lưu rất thấp nếu so với các công nghệ xử lý nước thải hiếu khí hiện nay”. TS Bích cho biết sẽ tiếp tục theo dõi công tác vận hành, đánh giá 5 hệ thống xử lý nước thải và trong những trường hợp cần thiết, tiến hành biện pháp lắp đặt vận hành bơm hồi lưu nhằm tăng hiệu suất khuấy trộn và từ đó tăng hiệu suất xử lý của bể tảo nhằm mục đích đạt yêu cầu xử lý nước thải một cách ổn định và có hệ số an toàn cao.

Hoàng Minh
www.hoangminhco.com