Trong những năm tới, Việt Nam chỉ cần xuất khẩu mỗi năm 2-3 triệu tấn gạo, thay vì 7-8 triệu tấn gạo/năm như hiện nay.
Đây là ý kiến của ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại hội thảo "Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM vào ngày 13-12.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Năng lại đưa ra thông tin như vậy. Chủ tịch VFA giải thích rằng, con số mà ông đưa ra là căn cứ trên những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tương lai.
Hiện tại, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam được bán tại thị trường châu Á, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines, Indonesia, Malaysia.
Tuy nhiên, hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam sang những thị trường này đang chậm lại. Ông Năng cho biết, trong năm 2015, ba nước trong khu vực ASEAN nói trên đã nhập khoảng 2 triệu tấn gạo từ Việt Nam nhưng năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ có 200.000 tấn, tức là giảm 90% so với năm trước.
Lý do được giải thích là do những quốc gia này đang có chiến lược tăng cường tự sản xuất lúa gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu vốn chủ yếu mua từ Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trung Quốc tuy là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng với những chính sách về kiểm dịch mới được đưa ra thì đây không còn là thị trường dễ tính nữa. “Lâu nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cứ nói với nhau rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, chất lượng gạo thế nào cũng bán được nhưng theo tôi, nếu các giám đốc doanh nghiệp cứ chủ quan như vậy, một ngày nào đó họ sẽ phải trả giá cho suy nghĩ này”, ông Năng nói.
Bên cạnh đó, ông Năng cũng cho biết, hiện 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là từ ĐBSCL. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2015-2016 vừa qua, vựa lúa của cả nước bị một trận hạn hán lớn nhất trong vòng gần 100 năm là do không thể chủ động được nguồn nước. Với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng kèm theo những đập thủy điện đang được xây ở thượng nguồn sông Mê Kông như hiện nay, không có gì đảm bảo để ĐBSCL có đủ nước để trồng lúa.
Vì thế, với những phân tích trên, Việt Nam cần giảm lượng lúa xuất khẩu xuống bằng cách trồng các giống lúa chất lượng cao thay vì chỉ tập trung vào những giống lúa ngắn ngày năng suất cao nhưng chất lượng thấp, cùng với đó là chuyển đổi một số diện tích sang trồng hoa màu khác để giúp người nông dân nâng cao thu nhập thay vì chỉ trồng mỗi cây lúa như lâu nay.