Hotline: 0908961396

Vị thế quan trọng của Trung Quốc trong ngành cao su thế giới

20/02/2016
Vị thế quan trọng của Trung Quốc trong ngành cao su thế giới
Nhờ những cải cách kinh tế của đất nước, những năm gần đây Trung Quốc trở thành một cường quốc về cao su trên thế giới. Mặc dù gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại, nước này vẫn là quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên (CSTN), cao su tổng hợp hàng đầu thế giới.
 Bên cạnh đó, Trung Quốc nổi lên là một trong những quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới.
 
Ngành cao su thiên nhiên Trung Quốc đã trải qua 60 năm phát triển. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những nước dẫn đầu cả trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ CSTN, cao su tổng hợp. Thực tế, thị trường cao su thế giới phần lớn bị chi phối và tác động từ nhu cầu của Trung Quốc.
 
Theo ước tính, tại Trung Quốc có hơn 150 đồn điền cao su quy mô lớn và hơn 300.000 nông dân trồng cao su. Năm 2013, diện tích cao su tại Trung Quốc đạt 1,13 triệu havà sản lượng 850.000 tấn. Các vùng trồng cao su chính ở Trung Quốc là Hải Nam, Vân Nam và Quảng Đông.
 
Trung Quốc là nước tiêu thụ CSTN lớn nhất thế giới, năm 2014 lượng tiêu thụ đạt 4,7 triệu tấn, tăng 13,1% so với năm trước và chiếm 39,1% tổng mức tiêu thụ của thế giới. Theo các nhà phân tích, nhờ nhu cầu CSTN lớn từ ngành lốp xe nên mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tạm thời chững lại, lượng tiêu thụ CSTN của Trung Quốc vẫn được dự đoán sẽ đạt 6,7 triệu tấn vào năm 2018. Trong đó, ngành lốp ô tô chiếm 70% tổng tiêu thụ CSTN, các sản phẩm cao su khác chiếm 30%.
 
Trở ngại lớn nhất đối với việc trồng cây cao su tại Trung Quốc là vấn đề thời tiết. Tỉnh Hải Nam, trung tâm CSTN của Trung Quốc, thường bịảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài. Để khai thác tiềm năng sản xuất CSTN trong nước và đạt đến mức hài hòa giữa cung và cầu, ngành cao su Trung Quốc đã và đang không ngừng nỗ lực nhằm hướng đến chính sách đảm bảo an ninh quốc gia, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và sản xuất sạch.
 
Trong thập niên 1980, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho nông dân nghèo, khuyến khích trồng cao su tạo kế sinh nhai để thoát khỏi nghèo khó. Nhiều gói hỗ trợđã được thực hiện trong hai thập niên sau đó. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tạo thêm cơ hội cho nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường hàng hóa toàn cầu. Thời điểm khi giá cao su toàn cầu tăng mạnh do nhu cầu tăng, nhiều người trồng cao su đã được hưởng lợi và trở thành tầng lớp trung lưu.
 
Các nhà sản xuất CSTN lớn của Trung Quốc gồm có Công ty Sinochem International, Guangdong Guangken Rubber Group và China Hainan Rubber Industry Group. Tuy nhiên, đểđáp ứng sự chênh lệch về cung cầu, Trung Quốc phải nhập khẩu lượng CSTN lớn từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia… Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu 2,6 triệu tấn CSTN, chiếm 54,8% tổng lượng tiêu thụ trong năm.
 
Song song với sự phát triển của việc trồng và sản xuất cao su, ngành cao su tái chế cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh tại Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và ứng dụng của cao su tái chế. Theo số liệu thống kê, năm 2012 Trung Quốc có 240 triệu chiếc xe, mỗi năm thải loại hơn 10 triệu tấn lốp phế thải, điều này đã gây áp lực lên công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay là nước sản xuất cao su tái chế lớn nhất thế giới, do có hướng tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm này.
 
Trên thế giới, Trung Quốc đứng đầu về sản xuất các sản phẩm cao su và thứ hai về sản xuất lốp xe. Nhu cầu trong ngành ô tô, xây dựng, y tế, da giày và các yêu cầu về chất lượng lốp nhập khẩu khắt khe hơn từ Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho các nhà chế biến Trung Quốc trong việc cải tiến chất lượng và thực hiện tiết kiệm năng lượng.
 
Tóm lại, ngành cao su Trung Quốc đã đạt tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây và giữ vị trí chiến lược quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc và trong ngành cao su thế giới.
Theo VRA
,