Kể từ khi Tập đoàn CNCS VN (VRG) triển khai chương trình đầu tư trồng cao su ở Lào (2005) và Campuchia (2007) theo khuôn khổ chương trình hợp tác về kinh tế, văn hóa, KHKT giữa Chính phủ VN với hai nước Lào và Campuchia, đến nay hiệu quả kinh tế đã khẳng định, công tác an sinh xã hội được Chính phủ nước bạn ghi nhận, đánh giá cao.
Tại Lào, theo thống kê đến nay thì VRG đã triển khai tất cả 8 dự án với tổng DT
cao su trồng gần 30 ngàn ha. Sau khi trồng thành công cao su ở Nam Lào và Trung Lào, năm 2012 VRG lần đầu tiên mở rộng đầu tư trồng cao su ở tỉnh Oudomxay (Bắc Lào) bằng việc ra mắt Cty Cao su Điện Biên - Bắc Lào. Riêng Cty CP Cao su Việt-Lào trong năm nay dự kiến đưa 8.200 ha cao su vào khai thác,phấn đấu đạt trên 9.200 tấn mủ. Trước đó, năm 2012, Cty này đã khai thác trên 5.600 ha, NS bìnhquân hơn 1 tấn/ha, đạt sản lượng gần 6.000 tấn, sản phẩm mang thương hiệu Cao su Việt-Làotừngbước được khách hàng tin cậy. Đối với chương trình phát triển 100 ngàn ha cao su ở Campuchia,qua 5 năm thực hiện, VRG đã có 18 đơn vị trực thuộc đang đầu tư trồng cao su tại đất nước chùa Tháp.
Đến hết năm 2012, các DN trực thuộc đã trồng DT gần 70 ngàn ha cao su với chất lượng vườn cây tốt, bộ giống phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại Campuchia. Trong đó, vườn cây cao su của Cty TNHH phát triển cao su Tân Biên-Kampongthom sắp đưa vào khai thác. Dự kiến trong năm 2013, VRG sẽ trồng mới 25 ngàn ha cao su ở Campuchia và phấn đấu cùng các DN khác ngoài Tập đoàn sẽ hoàn thành mục tiêu trồng 100 ngàn ha cao su tại Campuchia trong năm 2014, sớm hơn một năm so với mục tiêu ban đầu được Chính phủ hai nước thông qua.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Trực, Phó TGĐ VRG kiêm thường trực Ban chỉ đạo Phát triển cao su Campuchia, đây là thành quả từ sự nỗ lực của toàn thể CBCNV Việt Nam - Campuchia, đồng thời thể hiện sự quyết tâm, giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ cùng các bộ ngành hai nước.
Điều đáng nói là, theo quy định của hai nước Campuchia và Lào, chỉ cho phép các DN có vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng lao động nước ngoài tại các dự án không vượt quá 10% lực lượng lao động của DN. Thực tế trong các năm qua, tại các dự án cao su ở Lào và Campuchia, VRG đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định này. Cụ thể tại Lào, các DN trực thuộc VRG đã tuyển dụng trên 10 ngàn lao động người Lào và con số này ở Campuchia là trên 20 ngàn người.
Tính chung, số lao động tại chỗ được tuyển dụng ở hai nước chiếm tỉ lệ từ 95 - 97% trên tổng số lực lượng lao động tại các dự án. Tiền lương bình quân của lao động trực tiếp đạt 130 USD/người/tháng. Đây thật sự là mức thu nhập ổn định và khá cao so với mặt bằng sinh hoạt tại địa phương. Không chỉ tiền lương, các DN còn tạo điều kiện tăng thu nhập cho công nhân thông qua hình thức cấp phát thêm gạo bình quân 20 kg/người/tháng. Bên cạnh đó, các DN còn phụ cấp các khoản tiền nghỉ bệnh, tiền làm việc thêm giờ, thưởng các ngày tết, ngày lễ, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.. cho CN.
Để người lao động có điều kiện làm việc tốt, các DN còn xây dựng nhà ở cho CBCNV. Tại các dự án cao su ở Lào, VRG đầu tư hơn 750 căn nhà ở (tương đương 30.000 m2) cho công nhân, xây dựng hơn 5.000 m2 công trình trạm xá, trường học và 100 km đường cấp phối cầu cống các loại. Còn tại Campuchia, VRG đầu tư hơn 3.000 căn nhà ở (khoảng 100.000 m2) cho công nhân địa phương cùng hệ thống điện nước, sinh hoạt, xây dựng hơn 10.000 m2 công trình trạm xá, trường học và 3.000 m đường giao thông cấp phối, cầu cống phục vụ SX và dân sinh trong vùng dự án; ủng hộ Hội chữ thập đỏ Trung ương và các tỉnh 460 ngàn USD, xây dựng mới 2 chùa tại tỉnh Kampong Thom... Những nơi có dự án của VRG triển khai, đời sống kinh tế-xã hội của cộng đồng dân cư quanh vùng phát triển và chuyển biến rõ rệt với những điều kiện an sinh xã hội tốt hơn nhiều lần so với trước khi chưa có dự án.
Có dịp đến thăm Cty TNHH Phát triển CS Bà Rịa–Kampong Thom, chúng tôi thực sự “choáng” trước các dãy nhà sàn truyền thống bằng gỗ của người Campuchia được chính Cty thiết kế xây dựng với đầy đủ tiện nghi đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt cho các lao động bản xứ. Tại đây, một bộ mặt khu dân cư mới đang dần hình thành trên một vùng đất mà cách đây 4 năm là rừng núi hoang vu.
Theo GĐ Nguyễn Trọng Cảnh, đến nay Cty đã xây dựng 100 căn nhà sàn và 36 căn nhà xây cho công nhân trị giá khoảng 2.500 USD/căn. Ngoài ra, Cty còn cấp thêm 300 chiếc xe đạp cho công nhân để có phương tiện đi làm. Bà So-Ni, một công nhân của Nông trường OuThum tự hào nói: “Từ ngày làm việc, chúng tôi được bố trí nơi ăn chốn ở, không còn lo mưa, nắng. Trồng cây cao su không khó, thời gian đầu tuy vất vả nhưng bù lại được học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật từ cán bộ VN, thu nhập ổn định nên rất phấn khởi. Hy vọng lúc cây cao su bước vào khai thác, thu nhập tăng cao, kinh tế cộng đồng theo đó phát triển, điều mà lâu nay những người dân nghèo ở Campuchia chúng tôi không dám nghĩ tới”.
Còn tại Cty TNHH Phát triển cao su Tân Biên-Kampong Thom, ông Sar Van Din (Phó GĐ) cho biết: “Từ khi có các dự án cao su đầu tư tại đây, cuộc sống nhân dân địa phương chúng tôi thay đổi từng ngày. Người dân và các nơi khác đã có nhiều việc làm và có mức thu nhập đứng vào tốp đầu trong các ngành nghề trên địa bàn. Người dân không chỉ có tiền để mua sắm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày trong gia đình mà còn được chăm sóc sức khỏe tốt và được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi do các công ty cao su VN xây dựng”.
Được biết, lãnh đạo hai nước Lào và Campuchia đã ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả kinh tế, xã hội của chương trình trồng cao su của VRG. Cụ thể trong buổi tiếp đón ông Trần Ngọc Thuận (Phụ trách HĐTV,TGĐ VRG) vào ngày 26/12/2012 tại Thủ đô Viên Chăn, ông Vilayvanh Phomkhe (Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào) nói: “Tập đoàn CNCS VN đã đầu tư hiệu quả tại đất nước Lào, không những làm thay đổi bộ mặt địa phương có dự án mà còn tạo được việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, thay đổi tư duy và tập quán làm ăn cũ, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đời sống nhân dân trong vùng dự án không ngừng được cải thiện, để lại lòng tin yêu cho người dân địa phương chúng tôi”.
+ “Tập đoàn CNCS VN là đơn vị đi đầu trong quan hệ hợp tác với Campuchia và làm ăn có hiệu quả. Theo những gì chúng tôi đã chứng kiến, nơi nào cây cao su phát triển là đời sống của người dân nơi đó không những ổn định mà còn được hưởng lợi về cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, các DN trực thuộc Tập đoàn còn xây nhà ở cho công nhân, xây dựng trạm y tế, đưa lưới điện về nông thôn cùng nhiều công trình phúc lợi khác.” - Ngài Samdec Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia
+ “Từ khi triển khai chương trình phát triển cao su ở Lào và Campuchia, Tập đoàn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ hai nước cũng như các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân trong vùng dự án.” - Ông Trần Ngọc Thuận, Phụ trách HĐTV,TGĐ VRG.