Theo Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết chiều 8-9 đã có 34 trên tổng số 42 ngân hàng thương mại triển khai công tác điều hành lãi suất trong hệ thống của mình bằng các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể áp dụng cho toàn hệ thống.
Tất cả các ngân hàng thương mại này đều yêu cầu các chi nhánh, đơn vị trong toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện đúng mức trần lãi suất huy động bằng VND (14%/năm) và USD theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (2%/năm), nghiêm cấm thỏa thuận các khoản chi ngoài lãi suất với khách hàng.
Trong đó, có khoảng 20 ngân hàng thương mại bao gồm: Nông nghiệp, Công thương, Đầu tư và phát triển, Ngoại thương, Xuất nhập khẩu, Đại Dương, Nam Việt, An Bình, Việt Nam Thương tín, Tiền Phong, Xăng dầu, Đông Nam Á, Dầu khí toàn cầu, Phương Đông, Sài Gòn Hà Nội, Kỹ thương, Hàng hải, Quốc tế, Việt Nam thịnh vượng và Bảo Việt có nội dung chỉ đạo cụ thể về giám sát và xử lý việc chấp hành quy định lãi suất.
Như vậy, các chi nhánh phải tự chủ động phát hiện những tổ chức tín dụng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm mức lãi suất huy động VND và USD, báo cáo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn và trụ sở chính để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, trụ sở chính cũng tăng cường kiểm tra mức lãi suất huy động của các chi nhánh, đồng thời xử lý nghiêm đối với giám đốc chi nhánh, sở giao dịch và cán bộ vi phạm, không chấp hành chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trước thời điểm diễn ra hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 ngày 7-9-2011 đã có 5 ngân hàng thương mại (Đầu tư, Sài Gòn Hà Nội, Việt Nam thịnh vượng, An Bình, Xuất nhập khẩu) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu xuống mức 17 -19%/năm (giảm 1-2%/năm).
Đến ngày 8-9, theo đồng thuận của các ngân hàng thương mại tại hội nghị ngành, thêm 6 ngân hàng thương mại (Công thương, Ngoại thương, Phát triển nhà ĐBSCL, Quân đội, Liên Việt, Hàng hải) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND đối với sản xuất kinh doanh xuống mức 17-19%/năm. Một số ngân hàng thương mại khác như Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc tế, Techcombank... đang xây dựng chính sách lãi suất trên cơ sở điều kiện hoạt động kinh doanh của mình để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu xuống mức 17-19%/năm.
Qua tìm hiểu tại các phòng giao dịch một số ngân hàng thương mại như: VietinBank, Dong A Bank, Sacombank, VPBank, BIDV sáng 9-9 cho thấy mức trần lãi suất huy động 14%/năm được các ngân hàng thương mại chấp thuận một cách khá nghiêm chỉnh.
Mặc dù khách hàng cố tình gợi ý mức tiền gửi lên tới hơn 1 tỷ đồng, nhưng các cán bộ ngân hàng vẫn chỉ đưa ra mức lãi suất này, không xuất hiện tình trạng “đi đêm” thỏa thuận lãi suất như thời điểm trước đây. Điều này cho thấy sự đồng thuận rất cao của các ngân hàng thương mại trước chỉ đạo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước về duy trì trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm.
Yếu tố này rất khả quan để đạt mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, từng bước giảm lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm như kỳ vọng.