Hotline: 0908961396

Bão số 1 vào Hải Phòng - Nghệ An

17/7/2010
Bão số 1 vào Hải Phòng - Nghệ An
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết khoảng trưa và chiều nay, bão số 1 sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Chiều tối qua 16.7, bão số 1 với cường độ mạnh cấp 12 đã hoành hành trên khu vực phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An khoảng 450 km về phía đông nam.

Trưa và chiều nay, vùng tâm bão sẽ đi vào Hải Phòng đến Nghệ An

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ. Khoảng trưa và chiều nay 17.7, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An vào khoảng 16 giờ chiều cùng ngày với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

10 người mất tích trên biển

Báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến chiều tối qua 16.7, đã có 3 tàu cá bị chìm, 2 tàu khác bị hỏng và 10 người mất tích trên biển. Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn,12 tàu hải quân và 5 máy bay cũng đã sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống bão số 1.
 

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng sớm ngày mai 18.7, tâm áp thấp nhiệt đới ở nằm trên địa phận các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái với sức gió chỉ còn mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Sau đó, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng di chuyển, đi sâu vào đất liền rồi suy giảm thành một vùng áp thấp.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, chịu ảnh hưởng của bão, trên vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 7 - cấp 8, sau tăng lên cấp 10 - cấp 11. Trên đất liền, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, nước biển dâng cộng với thủy triều cao từ 4 - 5m.

Đoàn thanh niên tích cực giúp dân đối phó với bão số 1

Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 16.7 đã có công văn yêu cầu Ban thường vụ các tỉnh, thành Đoàn khẩn trương, chủ động đối phó với bão số 1. Theo đó, các tỉnh, thành Đoàn ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng gọi tàu, thuyền ngoài khơi vào nơi neo đậu an toàn; vận động và giúp đỡ các hộ nuôi trồng thủy hải sản ngoài biển vào bờ; tham gia tổ chức lực lượng, phương tiện đối phó với bão; giúp người dân vùng ven biển, vùng trũng, vùng đê xung yếu khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn; hướng dẫn, giúp dân bảo vệ tính mạng, chằng chống nhà cửa... Các tỉnh, thành Đoàn khu vực đồng bằng Bắc Bộ cần huy động các đội thanh niên xung kích tham gia trực đê, cứu hộ đê; cùng với các lực lượng tham gia tiêu, thoát nước cứu úng trong trường hợp mưa to trên diện rộng; phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ các công trình, cơ sở vật chất của Nhà nước và nhân dân. Các tỉnh Đoàn khu vực miền núi phía Bắc cần tuyên truyền, vận động nhân dân không chủ quan trong trường hợp mưa to xảy ra, đề phòng lũ quét, lũ ống; sẵn sàng tổ chức lực lượng tham gia ứng cứu.

Phương Nguyên

Về diễn biến mưa, theo ông Tăng, mưa sẽ cấp tập trong lúc bão đi qua với lượng mưa từ 200 - 300 mm. Các tỉnh vùng núi lượng mưa có thể lên đến trên 400 mm.  “Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi; ngập úng ở các tỉnh đồng bằng ven biển, kể cả các thành phố, trong đó có Hà Nội”, ông Tăng cảnh báo.

Khẩn cấp phòng, chống bão

Hôm qua, Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư tiếp tục họp khẩn, bàn và triển khai các biện pháp đối phó với bão số 1 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lưu ý: “Các địa phương cần rà soát và lên phương án di dời dân tại các khu vực có nguy cơ cao, kiên quyết di dời toàn bộ người dân đang nuôi trồng thủy sản ở ngoài đê và không để họ quay trở lại chòi canh. Người dân và các cấp chính quyền phải sẵn sàng hộ đê vì không loại trừ khả năng lũ xuất hiện trên các sông suối”, ông Phát nói.

Về công tác chống úng ngập, ông Phát yêu cầu, các địa phương tiến hành tiêu nước đệm trên đồng ruộng, riêng Hà Nội phải có phương án chống úng cho khu vực nội đô, hết sức lưu ý đến an toàn về điện. Sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai quyết liệt và cấp bách các biện pháp đối phó với bão số 1. Hiện 2 đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã về các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng và Nam Định - Thanh Hóa để kiểm tra và hỗ trợ địa phương phòng, chống cơn bão nguy hiểm này.

 

 

 

 

 

Các tỉnh sẵn sàng chống bão

Quảng Ninh: Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến tối ngày 16.7 đã triển khai thực hiện di dời 273/361 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Nam Định: Ông Đặng Ngọc Thắng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, đã tổ chức sơ tán dân trên địa bàn 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Trong đó, huyện Giao Thủy đã sơ tán được 1.400 dân đến nơi an toàn, và huyện Nghĩa Hưng sẽ hoàn thành công tác di dân trước 22 giờ đêm qua 16.7. Phần lớn tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đã về nơi trú tránh bão an toàn. Tỉnh Nam Định cũng đã triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư thiết bị và gia cố cho tuyến đê biển Thịnh Long (H.Hải Hậu) tại vị trí thi công cống Phú Lễ, công việc đã hoàn tất trong chiều tối qua.

Thanh Hóa: Tính đến 17 giờ chiều 16.7, Thanh Hóa đã liên lạc và kêu gọi được tất cả các phương tiện (8.636 tàu thuyền với trên 28.300 lao động) vào nơi trú ẩn an toàn tại các bến trong tỉnh cũng như các địa phương khác (đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Nam Định, Hà Tĩnh...). Sau thời gian hạn hán kéo dài, dự tính các hồ, đập, kênh, mương, ruộng đồng, các công trình giao thông... đang "khát nước" gặp mưa bão sẽ tạo nguy cơ sạt lở lớn. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và lực lượng biên phòng đã chuẩn bị 1.200 quân thường trực, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; 50 tấn gạo cùng với các nhu yếu phẩm khác cũng được dự trữ đề phòng cứu đói cho những vùng bị cô lập.

 

 

Tàu thuyền về nơi trú đậu an toàn ở Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Minh

Nghệ An: Tính đến 17 giờ chiều qua, toàn tỉnh Nghệ An có 4.242 tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển đã tìm được nơi trú ẩn, 240 tàu thuyền đang trên đường trở về.

N.Minh - K.Hoan - Q.Duẩn

 

Hà Nội sẽ hứng mưa lớn

Theo dự báo, Hà Nội là một trong những đô thị sẽ hứng chịu mưa lớn, có thể bị ngập úng nặng. Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố cho biết, thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp chống ngập lụt, nhất là ngập úng trong khu vực nội đô. Các đơn vị hữu trách đang huy động lực lượng, nỗ lực nạo vét cống rãnh, kênh thoát nước trong nội đô, tổ chức giải tỏa ngay các hạng mục đang thi công gây ách tắc dòng thoát nước của thành phố. Các hồ đang trong quá trình cải tạo như Thành Công và Giảng Võ sẽ mở cống tiếp nhận nước để tăng dung tích chứa nước cho nội thành. Mực nước đệm trên địa bàn cũng được rút xuống mức kiệt nhất có thể. Công ty điện lực Hà Nội phải đảm bảo cung cấp điện đủ cho các máy bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu nước chống ngập. 11/11 tổ máy của Trạm bơm Yên Sở đã sẵn sàng vận hành tối đa công suất khi có mưa lớn. Ngoài ra, một loạt các máy bơm dã chiến đang được gấp rút lắp đặt, bơm nước ra sông Đáy, giải nguy cho thành phố. Cống Thịnh Liệt sẽ được vận hành hợp lý và khống chế mực nước tại cống Hà Đông không vượt quá mức +5m.

Hải Phòng: Sơ tán hơn 4.700 người

Chiều qua, UBND huyện Cát Hải đã bắt đầu di dời hơn 1.900 hộ dân từ khu vực gần đê kè xung yếu, các vùng thấp, trũng như Bến Bèo (thị trấn Cát Bà), khu dân cư Tiến Lộc, Hải Lộc thuộc thị trấn Cát Hải... vào sâu trung tâm đảo. Hai nhóm bắt buộc phải di chuyển ngay hôm qua là người già, trẻ nhỏ và các hộ dân ở những khu vực trũng, gần khu vực đê, kè có nguy cơ bị vỡ cao. 18 giờ hôm qua, cộng tác viên của Thanh Niên tại Cát Hải cho biết, dù bão chưa vào nhưng đoạn kè đá tại khu vực Tiến Lộc, Hải Lộc, triều cường, sóng lớn đã lên sát mép mặt trên kè đá, cuốn trôi nhiều tảng đá hộc, sóng vượt kè đánh cả vào tường nhà dân.

Chiều qua, các chuyến phà, tàu cao tốc đông nghịt khách du lịch rời đảo về bờ. Tại Đồ Sơn, khách du lịch cũng được cảnh báo không nên du lịch, tắm biển vào cuối tuần này vì bão đang đe dọa.

Huyện Tiên Lãng cũng triển khai sơ tán 1.417 người ở khu vực ngoài đê, ven đê về trụ sở UBND xã, các trường học, nhà kiên cố. Huyện Vĩnh Bảo cũng sơ tán 1.429 người ở khu vực xung yếu về nơi an toàn.

P.H.S - Bích Ngọc - K.Long - Trung Tuyến

Hoàng Minh
www.hoangminhco.com - Theo thanh niên online