Hotline: 0908961396

Các ngân hàng trung ương đang hậu thuẫn giá vàng

26/01/2015
Các ngân hàng trung ương đang hậu thuẫn giá vàng
Ngân hàng trung ương các nước tiếp tục đẩy mạnh các chương trình mua trái phiếu và hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát.
  Kết quả là thế giới đang tràn ngập nguồn tiền “dễ dãi”. Và trong bối cảnh này, giá vàng tiếp tục tăng và đã quay lại trên mốc 1.300 USD/ounce trong tuần kết thúc vào 23/1, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 8.
 
Cũng trong tuần kết thúc vào 23/1, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khẳng định điều mà mọi người đang chờ đợi – bắt đầu chính thức triển khai chương trình mua tài sản trong tháng 3 nhằm kiềm chế giảm phát.
 
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Canada bất ngờ hạ lãi suất từ 1% xuống 0,75% trong bối cảnh lo ngại giá dầu tuột dốc sẽ gây áp lực lên nền kinh tế.
 
Thậm chí Đan Mạch cũng đã giảm lãi suất 2 lần trong tuần kết thúc vào 23/1, giảm lãi suất tiền gửi xuống âm 0,35%.
 
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể chuyển từ phạm trù tăng sang “giữ vững” trong năm 2015. Cùng với Fed, giới phân tích dự đoán BoE sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi.
 
Các nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics cho biết “Biên bản họp của Ngân hàng trung ương Anh cho thấy thái độ chủ hòa và việc nâng lãi suất sẽ chưa diễn ra cho đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới”.
 
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã kết thúc phiên họp chính sách tiền tệ vào hôm 21/1 và tiếp tục tiến hành chương trình nới lỏng định lượng, bao gồm cả việc mua tài sản nhằm tăng cơ sở tiền tệ với tốc độ hàng năm 80 nghìn tỷ yên, tương đương 16% GDP.
 
Ngân hàng trung ước các nước khác có thể tạo ra những ngạc nhiên? Động thái ngạc nhiên tiếp theo có thể từ Ngân hàng trung ương Australia khi giá hàng hóa đang tác động xấu đến tăng trưởng và kéo giảm kỳ vọng lạm phát, theo Moody’s Analytics.
 
Nói chung, giảm phát vẫn là chủ đề và lo ngại chính đối với nhiều nền kinh tế toàn cầu và là động lực thúc đẩy ngân hàng trung ương hành động.
 
Theo Moody’s Analytics, mối lo giảm phát đang khiến nhiều nền kinh tế toàn cầu đau đầu. Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 12/2014 giảm 0,4%, khiến chỉ số này cả năm 2014 chỉ tăng chưa đến 1%. CPI của Đức tháng 12/2014 giảm 0,5%, khiến cả năm chỉ số này chỉ tăng 0,2%. CPI của khu vực eurozone năm 2014 giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua.
 
Tại Mỹ, không chỉ giá dầu giảm, giá xe đã qua sử dụng cũng giảm 1,2%, giá quần áo giảm 1,2% và giá vé máy bay giảm 5%. Trong khi đó, lãi suất vẫn rất thấp ở 0-0,25%.
 
Fed có thể sẽ nâng lãi suất vào giữa năm nay, nhưng mức tăng và tốc độ tăng có thể thấp hơn dự đoán trước kia do viễn cảnh lạm phát chưa như mong đợi.
 
Giá vàng giao tháng 2/2015 trên sàn Comex New York đã tăng trên 10% từ đầu năm 2015.
 
Kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và ngân hàng trung ương các nước vẫn đang tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, và điều này có nghĩa giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nguồn DVO/Kitco