Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Chính phủ không đưa mặt hàng xăng dầu thành phẩm vào danh mục nhà nước định giá. Cơ sở của đề xuất này là nếu nhà nước còn định giá thì Nghị định 84 của Chính phủ về quản lý xăng dầu sẽ bị vô hiệu hóa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, đây là một đề xuất “không thực tâm”, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý và Chính phủ không thể đồng ý trong lúc này. Bà Lan nói:
Trong lúc này, không thể không định giá và kiểm soát giá của điện, xăng dầu bởi đây là các mặt hàng ảnh hưởng lớn đến các mặt hàng khác, đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lâu nay, 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không làm tốt chức trách của mình, hoạt động không minh bạch, liên tục tăng giá và không giải trình được với xã hội. Xã hội vì thế không kiểm soát được, cần vai trò quản lý của nhà nước. Thực tế trong thời gian qua, sự quản lý của hai Bộ Tài chính, Công Thương đối với thị trường xăng dầu, doanh nghiệp xăng dầu không đáp ứng được mong mỏi của người dân. Nhưng dù sao thì có còn hơn không.
PV: Còn về lý do để Bộ Công Thương đưa ra đề xuất nhà nước không định giá mặt hàng xăng dầu này, rằng nếu định giá thì vô hiệu hóa Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu, bà thấy thế nào, thưa bà?
- Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ lấy lý do đó không ổn chút nào. Nếu không vận dụng được Nghị định 84 thì cần phải điều chỉnh cho tốt hơn. Có thể tham vấn rộng rãi, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Không thể có chuyện không vận dụng được thì buông.
Nói về Nghị định 84, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kêu rằng cơ quan quản lý giá không vận dụng đúng các quy định trong nghị định này khi điều hành giá xăng dầu, nghĩa là giá xăng dầu không theo quy luật thị trường. Điều này trong nhiều thời điểm là đúng. Vậy theo bà, tại sao lại như vậy?
- Tôi đã nói về điều này rất nhiều lần. Làm sao có cơ chế thị trường khi còn độc quyền. Ở thị trường xăng dầu, hình thức là có 11 doanh nghiệp đang hoạt động. Thực tế là độc quyền hay như Luật Cạnh tranh gọi là “chi phối thị trường” bởi 3 doanh nghiệp. Do vậy, người tiêu dùng không được bảo vệ, không có quyền lực.
Doanh nghiệp cứ đòi vận dụng theo cơ chế thị trường nhưng chỉ ở mặt giá cả, còn thiết chế thị trường lại không có. Do vậy, trong lúc chưa xây dựng được thiết chế thị trường thì nhà nước phải lãnh trách nhiệm kiểm soát giá để qua đó phần nào bảo vệ người tiêu dùng. Mấy ông doanh nghiệp còn dám làm mình làm mẩy với nhà nước thì họ sợ gì dân.
Trở lại với đề xuất của Bộ Công Thương, nhiều người cho rằng, đây lại thêm một lần bộ này tỏ rõ sự bênh vực doanh nghiệp “con đẻ”. Bà nghĩ sao về nhận xét này?
- Về đề xuất, tôi không tin đây là đề nghị thực tâm của Bộ Công Thương, vì nếu thực tâm thì bộ này đã xây dựng thiết chế thị trường, tức đưa ra giải pháp trước khi đề nghị nhà nước hết định giá.
Còn chuyện bênh vực doanh nghiệp, tôi nghĩ là thực tế cho đến nay đang thể hiện rõ điều đó