Nguyên nhân
Theo đông y, nguyên nhân gây dị ứng là do tâm bị nhiệt (nóng), nguyên nhân sâu xa là chức năng tiêu độc của gan kém và chức năng bài tiết của thận suy giảm. Người nóng trong, tiểu vàng, có khi tiểu đỏ, nguyên nhân do thói quen ăn ít rau và hay ăn những món cay, nóng. Chức năng tiêu độc của gan là một trong những chức năng quan trọng để chuyển hóa thức ăn. Khi ta ăn các chất đạm, béo, đường (có nguồn gốc động vật, thực vật), bộ máy tiêu hóa phân hủy các chất đó thành các a-xít amin cơ bản rồi tổng hợp chúng lại để duy trì hoạt động của cơ thể. Trong quá trình đó sinh ra các chất độc (chất không mong muốn) nên gan phải chuyển hóa các chất độc hại đó thành dạng vô hại và đẩy ra khỏi cơ thể theo 3 cách: đại tiện, tiểu tiện và mồ hôi. Nếu chức năng gan kém sẽ kéo theo thận phải làm việc nhiều hơn bình thường để bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể. Khi cả chức năng tiêu độc và bài tiết của hai bộ phận này suy yếu cộng với sức khỏe giảm sút, cơ thể dễ dàng bị phong (gió), nhiệt (nóng), thấp (ứ nước) sẽ gây ra bệnh ngứa dị ứng, mề đay (mụn nhọt, trứng cá, u bã đậu, lở ngứa...).
Cơ thể mỗi người sẽ thấy lạ với một số dị nguyên nhất định, có thể chất này gây dị ứng ở người này nhưng lại bình thường với người khác. Do vậy, khi chúng ta bị dị ứng với một chất nào đó thì không phải do độc chất từ đó ảnh hưởng lên cơ thể, mà chỉ do hệ miễn dịch của ta cảm thấy lạ và kích hoạt đáp ứng miễn dịch dị ứng. Những người có cha hay mẹ, hoặc cả hai, bị dị ứng thì có nguy cơ bị dị ứng rất cao. Nữ thường bị dị ứng thuốc nhiều hơn nam, tuổi thường hay bị dị ứng từ 20 - 40.
Những cách, mẹo chữa
Dùng thuốc bôi ngoài da cũng như uống tân dược chống dị ứng chỉ khỏi bệnh tạm thời, sau một thời gian lại tái phát. Để điều trị dị ứng cần phải thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan và có thể dùng các bài thuốc đông y như dưới đây:
* Chữa hen phế quản
- Lá táo chua 20g đem sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Hạt củ cải 20g, vỏ quýt 4g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
* Chữa mề đay
- Ké đầu ngựa sao cháy lông 12g, kim ngân hoa 12g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Đậu đen 50g, sao cháy thành than, tán thành bột mịn, chia uống nhiều lần trong ngày.
* Chữa viêm mũi dị ứng
- Ké đầu ngựa sao cháy lông, tán mịn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3g.
- Ké đầu ngựa sao cháy lông 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
* Chữa chàm (eczema)
- Thương truật 100g, hoàng bá 100g, phèn chua phi 6g. Tán thành bột mịn, hòa với dầu thực vật để bôi trên nơi tổn thương. Ngày bôi một lần. Nếu thấy chảy nước thì rắc bột thuốc nói trên vào.
- Lá tía tô khô 90g, lấy 30g sao khô, tán bột mịn, số còn lại sắc lấy nước đặc để rửa nơi thương tổn. Sau đó rắc bột tía tô vào nơi tổn thương.
- Hẹ 100g, giã lấy nước, thêm dầu vừng và chút muối ăn. Bôi trên nơi tổn thương, ngày bôi 2-3 lần.
- Cỏ nhọ nồi 100g, giã nát lấy nước cốt. Lấy nước sôi để nguội rửa sạch sau đó bôi nước cốt cỏ nhọ nồi vào nơi tổn thương.
Lương y Hoài Vũ