Đôla chợ đen xuống dưới 21.400, ngân hàng tiếp tục giảm
31/07/2013
Giá bán đôla Mỹ trong ngân hàng chiều 30/7 có nơi chỉ còn 21.200 đồng, giảm mạnh so với mức trần 21.246 neo suốt mấy tuấn qua. Tỷ giá chợ đen cũng chịu áp lực.
Đà giảm giá bắt đầu từ ngày 27/7 và xuống sát 21.235 đồng hôm cuối tuần. Đến chiều 30/7, giá bán tại Eximbank tiếp tục sụt thêm 15 đồng, về mốc 21.220 đồng. Giá thu mua tại đây rớt mạnh hơn, tới 60 đồng trong một ngày, rơi về 21.120 đồng.
Giá mua vào của ACB cùng thời điểm đã xuống dưới 21.110 đồng, bán ra 21.200 đồng, giảm 20 đồng so với sáng. Các ngân hàng khác cũng niêm yết giá bán nằm dưới trần 20-30 đồng, còn thu mua dao động quanh 21.120-21.130 đồng.
Giá mua bán đôla Mỹ ngoài thị trường chợ đen cũng giảm khá mạnh. Một số điểm thu đổi ngoại tệ tự do tại TP HCM cho biết giá bán USD lúc 16h chỉ còn 21.380 đồng đồng, giảm 50 đồng so với đầu ngày. Còn giá thu mua hiện nay chỉ còn quanh 21.300 đồng. Tương tự, giá mua bán USD tại thị trường chợ đen Hà Nội cũng về sát 21.300-21.350 đồng ăn một USD.
Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 (TP HCM) cho rằng nguồn cung đang khá dồi dào, trong khi nhu cầu mua khá thấp nên giá giảm.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại chia sẻ, hiện nay nguồn cung USD khá dồi dào, còn cầu thì không nhiều. “Cung vượt cầu nên nhà băng phải giảm mạnh giá mua bán đôla Mỹ là điều tất yếu của hoạt động kinh doanh”, ông nói.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay, hiện nay nhà băng gần như không phải tham gia mua bán USD trên thị trường liên ngân hàng cũng như mua từ Ngân hàng Nhà nước. Bởi Sacombank có thể tự cân đối được cung cầu. “Thanh khoản USD hiện được xem là khá ổn định”, ông Khang nói.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh phân tích thêm, trước đây do tín dụng tiền đồng gần như tắc nghẽn nên một số ngân hàng đã dùng nguồn tiền này để mua USD. Nay tốc độ dư nợ cho vay đang dần tăng trưởng tốt nên các nhà băng chuyển từ tiền USD sang tiền đồng để tạo thanh khoản cho vay, khiến nguồn đôla Mỹ trên thị trường dồi dào hơn.
Mặt khác, ông Mình cho biết thời gian qua, lượng kiều hối đổ về nước cũng tăng mạnh. Riêng địa bàn TP HCM, đến cuối tháng 6, kiều hối đã đạt hơn 2,24 tỷ USD, tăng 19,46% so với cùng kỳ năm ngoái. “Trong số này, có hơn 25% được người nhận bán lại cho các nhà băng giúp cho nguồn USD của các ngân hàng dồi dào hơn”, ông Minh nói.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết thêm, thị trường tự do cũng được kiểm soát chặt thông qua các đoàn kiểm tra liên ngành được tổ chức thường xuyên. “Nếu phát hiện các trường hợp kinh doanh ngoại tệ trái phép đều bị xử lý nghiêm theo mức phạt cao nhất của Nghị định 95. Do đó, thị trường này không tạo ra các cơn sóng ảnh hưởng đến tỷ giá trong ngân hàng”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng dự báo, thời gian tới, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định, vì nguồn cung ngoại tệ có thể tăng lên do cán cân thanh toán năm nay dự báo sẽ thặng dư. Trong khi đó người dân cũng đang có xu hướng bán ngoại tệ để chuyển thành tiền đồng khi lãi suất gửi tiết kiệm ngoại tệ còn khoảng 1,25% một năm, trong khi lãi suất tiền đồng vẫn dao động từ 5-7% một năm.
Đợt sốt đầu tháng 7 diễn ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1%, các ngân hàng theo nhau niêm yết kịch trần và có nơi bán giá cao hơn niêm yết. Trên thị trường tự do, có lúc giá gần lên 21.900 đồng. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng cơ quan quản lý và các bên thường nhắc tới chuyện đầu cơ làm giá vì cung cầu không biến động. Ngân hàng Nhà nước sau đó có cuộc họp với 14 ngân hàng đưa ra giải pháp ổn định tỷ giá, trong đó có việc phát hành tín phiếu để hút một phần vốn tiền đồng dư thừa tại các ngân hàng.
Huy Hoang Minh Co., Ltd
http://www.hhm.vn - theo vnexpress.net