Giới đầu tư vẫn hoài nghi các nước sản xuất chủ chốt sẽ có thể thực tế hóa kế hoạch đạt được hồi tháng 9.
Giá dầu phiên 14/10 giảm do lo ngại về tình trạng thừa cung toàn cầu và hoài nghi rằng các nước sản xuất chủ chốt có thể hợp tác và thực thi việc cắt giảm sản lượng như đã nhất trí hồi tháng 9.
Kết thúc phiên giao dịch,
giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 11/2016 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 9 cent, tương ứng 0,18%, xuống 50,35 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 11/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 8 cent, tương đương 0,15%, xuống 51,95 USD/thùng.
Cả tuần giá dầu vẫn tăng 1,08%, ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, cũng là đợt tăng dài nhất kể từ tháng 4.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giá dầu không thể duy trì đà tăng - từng đẩy giá dầu chạm đỉnh một năm hồi đầu tuần.
Theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan của Mỹ trong tuần kết thúc vào 14/10 tăng thêm 4 giàn, đánh dầu tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Bên cạnh đó, giới phân tích và nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao quan điểm của Nga về việc cắt giảm sản lượng do OPEC đề xuất. Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 9 đạt trên 11 triệu thùng/ngày, cao kỷ lục trong thời hậu Xô-viết.
OPEC sẽ có phiên họp chính thức vào cuối tháng 11 để thảo luận chi tiết kế hoạch cắt giảm sản lượng. Mục tiêu của OPEC là hạn chế sản lượng dầu thô ở dưới 33 triệu thùng/ngày so với 33,39 triệu thùng hiện nay.
Theo một thương nhân, ngay cả khi OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng, sẽ mất nhiều tháng để thực thi trước khi thị trường cân bằng hoặc thiếu cung. Rất nhiều điều có thể xảy ra trong quãng thời gian này.