Sự khó khăn của hàng hóa Việt Nam tại hệ thống siêu thị nước ngoài là không thể phủ nhận khi thua kém cả chất lượng lẫn giá.
Đầu tháng 10, một đoàn 10 doanh nghiệp
Thái Lan tới chào hàng tại TP.HCM. Đáng chú ý, đây không phải những doanh nghiệp đầu tư lớn mà chỉ là nhà sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như trái cây sấy khô, gạo, đường... Sau những thương vụ lớn mua lại Metro, Big C, các doanh nghiệp Thái Lan bắt đầu đánh những trận nhỏ nhưng sâu hơn vào
thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty IHS Thái Lan chào bán các sản phẩm trái cây sấy khô như mít, chuối... tương tự như sản phẩm của Vinamit nhưng có bao bì bắt mắt hơn và đặc biệt có giá rẻ hơn. Ông Vilailuck Thitiponthamrong, Giám đốc Marketing của IHS, cho biết đang tìm các kênh phân phối phù hợp để mở rộng sản phẩm của Công ty tại thị trường Việt Nam.
Trước sự tấn công của hàng Thái Lan, hàng Việt gặp khó khăn hơn, đặc biệt là trong hệ thống siêu thị của Thái. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải gửi công văn đề nghị Big C Việt Nam không tăng chiết khấu trong các hợp đồng mới năm 2016 và giảm mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản trong nước. Đến cuối tháng 7, Big C sau khi về tay Tập đoàn Central Group đã tiếp tục hợp tác và ký kết nhiều hợp đồng mới với doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện của Big C cho biết, tỉ lệ hàng Việt hiện chiếm từ 90-95% trên kệ hàng. Hàng Thái nói riêng cũng như các mặt hàng nhập khẩu khác từ Hàn Quốc, Pháp, Úc, Mỹ và Nam Phi... nói chung chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ so với hàng sản xuất tại Việt Nam và chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của một bộ phận người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, sự khó khăn của hàng hóa Việt Nam tại hệ thống siêu thị nước ngoài là không thể phủ nhận khi thua kém cả chất lượng lẫn giá. Nhà cung ứng hoàn toàn ở thế yếu trong mối quan hệ với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại và đang phải cố xoay xở vì sợ rời siêu thị cũng không còn thị trường nào khả quan hơn. Một số doanh nghiệp vẫn duy trì hàng vào siêu thị ngoại nhưng giảm sản lượng. Một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc cung cấp cho các siêu thị cho biết, nếu phải chấp nhận mức chiết khấu quá cao của một số siêu thị nước ngoài, công ty thậm chí còn không đủ tiền trả lương công nhân. Tuy nhiên, nếu đưa hàng ra khỏi những siêu thị này, công ty cũng chưa có giải pháp nào để bù đắp.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, cho biết, hàng của Công ty thường gặp khó ở hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài. Hiện nay, siêu thị nội đưa ra mức chiết khấu phù hợp, khoảng 1-2% trên doanh thu. Trong khi đó, hệ thống siêu thị nước ngoài thường áp mức chiết khấu cao, nay còn tăng thêm 4-5%. Nhà bán lẻ ngoại còn yêu cầu doanh nghiệp Việt phải kéo dài thời gian thanh toán từ 30 ngày lên 45 ngày. Đã vậy, những ngày kỷ niệm sinh nhật hay ngày lễ, siêu thị yêu cầu doanh nghiệp giảm giá 10-30% trong suốt 1 tuần đến 15 ngày. “Như thế, doanh nghiệp làm sao còn lãi”, Trần Văn Liêng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cacao Việt Nam, chia sẻ.
Hàng Thái Lan thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ Việt Nam khi hệ thống phân phối hiện đại của Thái Lan đã bão hòa, chiếm 65% thị trường bán lẻ; còn ở Việt Nam, con số này mới dừng lại ở 20%. Ngành bán lẻ Thái Lan tăng trưởng trung bình 8% trong 10 năm tính đến năm 2012 nhưng đã sụt giảm 3% trong 2 năm 2013 và 2014 và 1% trong năm 2015. Chính vì vậy, chiến lược tấn công thị trường Việt Nam đã được các nhà đầu tư Thái hiện thực hóa bằng nhiều thương vụ lớn: Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái mua lại Metro Việt Nam , trong khi Central Group mua lại Big C, Singha đầu tư vào Masan Consumer, Masan Brewer. Central Group cũng chi 10 triệu USD để mua website thương mại điện tử chuyên về kinh doanh thời trang Zalora ở Thái Lan và Việt Nam.
Tham vọng của Central Group không chỉ dừng lại ở thị trường thành thị mà còn muốn vươn ra cả thị trường nông thôn. Bằng chứng là cuối năm 2015, Central Group Việt Nam tiếp tục mua cổ phần của Lan Chi Mart. Lan Chi Mart được thành lập từ năm 1995 và là tiên phong trong lĩnh vực siêu thị hiện đại tại nông thôn.
Thị trường nông thôn vài năm trở lại đây vốn là nơi “trú ẩn” của nhiều doanh nghiệp Việt sau khi gặp khó trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Đây là một phân khúc thị trường chưa từng có các đối thủ mạnh, đặc biệt chưa xuất hiện nhiều nhà bán lẻ nước ngoài. Sau nhiều lần từ chối bán thương hiệu nước rửa chén cho Unilever và không cạnh tranh được trong các siêu thị lớn của thành thị, Công ty Vĩnh Hảo đã tìm thấy thị phần lớn từ thị trường nông thôn. Tuy nhiên, thương hiệu này lo ngại, với sự chen chân của người Thái, thị trường nông thôn sẽ vào tay người Thái chỉ là chuyện sớm muộn.
Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Vĩnh Hảo, chia sẻ các sản phẩm của Thái đang cạnh tranh rất quyết liệt với hàng Việt Nam. Không chỉ có mặt tại siêu thị lớn, khoảng 2 năm nay, hàng Thái âm thầm thâm nhập vào chợ truyền thống. Dạo quanh một vòng chợ Bà Chiểu, hàng
nhựa gia dụng của Thái Lan tràn ngập chợ; mặc dù giá cao hơn hàng Việt vài ngàn đồng nhưng mẫu mã đẹp hơn rất nhiều. Hiện có cả hàng nhựa của Indonesia nhưng hàng Thái bán chạy nhất vì nhìn mẫu mã rất đẹp và giá không chênh lệch quá nhiều.
Tại Lan Chi Mart, trước thời điểm bán lại cổ phần cho Central Group, hầu hết hàng hóa đều sản xuất tại Việt Nam với ưu thế là giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Sau thời gian về với chủ mới, hàng Thái Lan chiếm nhiều vị trí trên các kệ hàng của siêu thị này và hàng Việt ngày càng ít hơn.
Tương tự với Lan Chi Mart, tại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam, sau khi chính thức hoàn tất việc bán lại cho Tập đoàn TCC (Thái Lan), hàng Thái Lan cũng xuất hiện khá nhiều trên kệ hàng của siêu thị này. Tại Metro quận 2, hàng Thái hiện bày bán xen kẽ với hàng Việt nhưng xét về giá cả thì đa số các mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan luôn rẻ hơn. Chẳng hạn, sữa đặc của Thái Lan có giá rẻ hơn đến 6.000 đồng mỗi hộp so với các loại khác của Việt Nam. Các loại sữa tắm, dầu gội đầu, mỹ phẩm... có nguồn gốc Thái Lan giá chỉ từ 50.000-200.000 đồng. Các mặt hàng gia dụng như rổ, móc áo, đũa, ly, chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác... chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nồi cơm điện, quạt điện, lò vi sóng... giá trên 1 triệu đồng.
Không chỉ có vậy, nhiều sản phẩm khác của Thái như xe hơi cũng đang tràn vào Việt Nam với số lượng ngày càng nhiều. Một số ý kiến cho rằng, Thái Lan đang tồn một lượng hàng rất lớn nên họ tìm cách đưa đi tiêu thụ tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trước sự tấn công mạnh mẽ của người Thái, không ngạc nhiên khi kim ngạch nhập khẩu hàng Thái vào Việt Nam chỉ xếp sau hàng Trung Quốc. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 8,2 tỉ USD, tăng hơn 15% so với năm trước. Trong quý I/2016, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan là 1,818 tỉ USD. Con số này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới khi các siêu thị đẩy mạnh hơn nữa hàng Thái trên kệ.
Theo số liệu từ Saigon Co.op, tính tới năm ngoái, khối ngoại chiếm 58% thị phần, đạt 45.500 tỉ đồng trong kênh bán lẻ hiện đại, trong khi khối nội chỉ đạt 32.000 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2020, ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ chiếm 72,4% thị phần, đạt 187.000 tỉ đồng doanh thu, còn khối nội khoảng 71.400 tỉ đồng.
Hiện nay cả nước có khoảng 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại nhưng các thương hiệu bán lẻ nội như Hapro, Fivimart... đã co cụm hoặc bán bớt rất nhiều; chỉ có 2 doanh nghiệp Việt đang trụ vững là Co.opmart và Vingroup. Để các đối thủ ngoại chiếm lĩnh thị trường thì hàng Việt không chỉ chịu sức ép cạnh tranh trong phân phối mà cả sản xuất, bán lẻ của Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro bị đánh bật ngay tại sân nhà.