Mặc dù không đưa ra thông báo về khả năng sẽ tăng giá điện trong thời gian tới, nhưng những khó khăn mà lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam liên tục đưa ra đã khiến nhiều người lo ngại giá điện sẽ tiếp tục tăng.
Thời điểm tăng giá điện vẫn chưa được tiết lộ
Tăng 5% giá mua điện cho một số nhà máy
Theo thông báo của Bộ Công Thương, hiện nay khá nhiều nhà máy thủy điện đang phải đối mặt với khó khăn. Cùng với đó, EVN đơn vị duy nhất đang đứng ra mua điện tại những nhà máy này cũng trải qua thời kỳ hạn hẹp về chi phí do phải bán giá điện dưới giá thành.
Chính những khó khăn này khiến thông điệp về khả năng điều chỉnh giá điện được nhiều lần lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN đưa ra. Đặc biệt sau khi Tập đoàn điện lực Việt Nam có quyết định điều chỉnh tăng thêm 5% giá mua điện cho một số nhà máy. Tuy nhiên, thời điểm tăng vẫn là một câu hỏi lớn đối với tất cả các khách hàng sử dụng điện.
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2012 EVN đã tăng thêm 5% giá mua điện đối với các hợp đồng mà Tập đoàn này đã ký tại những nhà máy thuỷ điện nhỏ dưới 30 MW. Nguyên nhân là do tình hình tài chính những nhà máy này đang rất gặp khó khăn về chi phí đầu vào dưới tác động về lãi suất, tỷ giá.
Còn riêng đối với các nhà máy điện công suất trên 30MW, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết, EVN chưa thể tăng giá mua điện đối với các nhà máy điện này, bởi khi quyết định nâng giá cho các nhà máy này EVN và các bên liên quan phải cân nhắc, tính toán kỹ xem họ có thực sự gặp các vấn đề khó khăn về chi phí đầu vào như các nhà máy điện nhỏ hay không.
“Mặc dù việc điều chỉnh giá đối với các nhà máy điện có liên quan đến tỷ giá và lãi suất vay ngân hàng, nhưng nó phải phù hợp với lại lộ trình điều chỉnh giá bán điện hiện tại”, ông Cường khẳng định.
EVN đang rất khó khăn
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, do tình hình khó khăn nên nhiều nhà máy khác cũng có kiến nghị tăng giá mua điện khi chuyển đổi hợp đồng cũ sang mới. Tuy nhiên, EVN đang là đơn vị duy nhất mua điện của các nhà máy điện này cũng trong tình trạng rất khó khăn về tài chính, nên việc điều chỉnh phải tiến hành từng bước. “EVN hiện nay không đủ khả năng để chi trả nhiều hơn cho các nhà máy điện. Vì vậy, khó khăn này phải được chia sẻ cho các đơn vị tham gia vào hoạt động điện lực", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Liên quan đến thị trường phát điện cạnh tranh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm, do tình hình cung - cầu về cung ứng điện khó khăn cho nên sau gần 1 năm vận hành thử nghiệm thì hầu hết trong các tháng, các nhà máy khi chào giá đều cao hơn so với giá được ký kết theo hợp đồng. Chỉ duy nhất hai tháng 12/2011 và 1/2012 thì giá chào trên thị trường thấp hơn giá ký kết theo hợp đồng, tương ứng là 33 tỷ đồng và 103 tỷ đồng.
“Tổng cộng trong gần 1 năm vận hành thử thị trường phát điện cạnh tranh (từ 1/7/2011 đến nay), nếu thanh toán cho các nhà máy theo bản chào của họ thì lượng tiền phải thanh toán cao hơn hợp đồng là 1.178 tỷ đồng” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, câu chuyện giá điện đến nay đang rất khó khăn. Vì vậy sắp tới, khi chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, một mặt sẽ từng bước giảm sự độc quyền của ngành điện. Mặt khác sẽ minh bạch hoá mọi hoạt động của ngành điện. “Tuy nhiên, vận hành theo thị trường thì phải theo quy luật cung – cầu, chuyện lên, xuống giá điện theo thị trường là bình thường”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.