Trong khi thông tin dự báo của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) chỉ tập trung đối với các tỉnh phía Nam, thì ngày 28-3 Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân lại phát hiện hàm lượng phóng xạ I-131 trong không khí tại Hà Nội.
Nhiều giả thuyết về nguồn gốc
Theo TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN), không phải đột ngột đám mây xuất hiện ở Hà Nội. Do điều kiện khí tượng đối lưu, đám mây phóng xạ bay từ Nhà máy Fukushima tới vùng biển Đông Nam Á đã tách ra làm những đám mây nhỏ. Trong mấy ngày qua, khu vực phía Bắc và Hà Nội có nhiều sương mù và mưa nên đám mây phóng xạ này đã vào phía Bắc sớm hơn, còn các tỉnh phía Nam khí hậu nóng hơn nên đến thời điểm này chưa vào đất liền.
TS Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, kiểm tra thiết bị hút khí trong không khí khu vực Hà Nội
Trong khi đó, TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho rằng lý do đám mây phóng xạ trong những ngày qua không vào các tỉnh phía Nam là do hướng gió đổi chiều, đẩy mây ra biển xuống phía Nam. Theo ông Điền, dự báo vẫn chỉ là dự báo trên cơ sở tính toán từ mô hình, có thể hướng gió thay đổi nên cơ quan khí tượng chưa cập nhật.
Về nguồn gốc của đồng vị phóng xạ I-131 phát hiện tại Hà Nội, TS Điền phán đoán có thể từ Nhật Bản bay sang Trung Quốc, qua Đài Loan trước khi vào VN. “Sở dĩ đám mây không được phát hiện cho tới khi đo được nồng độ phóng xạ ở Hà Nội là do có thể lâu nay các nhà khí tượng quá tập trung vào đám mây lớn bay từ Nhật xuống phía Nam VN nên đã không chú ý đến đám mây quá nhỏ đi từ phía Bắc”, ông Điền nói.
Mức nồng độ này nhỏ hơn khoảng 500.000 lần so với giá trị giới hạn quy định trong TCVN 6866:2001 và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân không nên quá lo lắng - TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN) |
Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng hạt nhân quốc tế Trần Đại Phúc lại đưa ra ý kiến khác. Theo ông, mây phóng xạ ở Nhật không thể tới Hà Nội, vì theo các nhà khí tượng thế giới đám mây sẽ chuyển sang Philippines, Indonesia chứ không về VN. TS Phúc nhận định, không loại trừ khả năng, lượng phóng xạ này bay sang từ Trung Quốc. “Trung Quốc có mấy lò phản ứng hạt nhân nằm ở ven biển, mùa này gió biển đông thổi về VN. Theo tiêu chí an toàn, I-131 nằm trong tâm lò, các nhà vận hành có quyền xuất một lượng nhỏ cho phép ra ngoài không khí. Mùa khí tượng từ tháng giêng đến tháng 6, gió thổi từ miền Đông Trung Quốc về nên theo chiều gió bay sang VN”, TS Phúc phán đoán. Nhưng TS Điền nói đồng vị phóng xạ I-131 “chỉ có thể thải ra môi trường khi các nhà máy gặp sự cố”.
Trong khi đó, báo cáo về số liệu phóng xạ môi trường của Trung tâm Dữ liệu quốc gia VN trong mạng lưới của CTBTO đặt tại Viện Năng lượng nguyên tử VN dự báo, trong ngày 29-30.3, phần đám mây chính chưa vào thềm lục địa VN.
Loại trừ khả năng do cơ sở sản xuất thải ra
Trước lo ngại của người dân, phóng xạ có thể do các cơ sở sản xuất gần trạm quan trắc thải ra, ông Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử VN) khẳng định: “Xung quanh Viện không có các cơ sở sản xuất đồng vị phóng xạ. Ở VN chỉ duy nhất Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được phép sản xuất đồng vị phóng xạ I-131. Máy móc thiết bị đo của Viện là những thiết bị hiện đại tối tân, với lượng phóng xạ I-131 nhỏ như vậy chắc chắn không ảnh hưởng môi trường cũng như sức khỏe con người”.
TS Điền cho biết thêm, I-131 là một i-ốt phóng xạ, khi con người hít vào với hàm lượng cao sẽ gây ra một số bệnh liên quan đến tuyến giáp như ung thư... Do đó, việc quản lý chất phóng xạ hết sức nghiêm ngặt nên khó có thể nói rằng nguồn phóng xạ là do các cơ sở sản xuất thải ra. Ngoài Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ở phía Bắc không có cơ sở nào sản xuất đồng vị phóng xạ I-131.
Chiều qua TS Lương cũng cho biết đã có kết quả phân tích đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí của Trạm quan trắc mẫu soi khí tại Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (đặt tại Hà Nội) công bố ngày 28-3 là 24,2 x 10-6 Bq/m3. Theo tiêu chuẩn VN TCVN 6866:2001 quy định, giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của một cơ sở bức xạ hoặc cơ sở hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường là 1 mSv/năm lấy trung bình trong 5 năm liên tục và trong 1 năm đơn lẻ không vượt quá 5 mSv. “Mức nồng độ này nhỏ hơn khoảng 500.000 lần so với giá trị giới hạn quy định trong TCVN 6866:2001 và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân không nên quá lo lắng”, TS Lương nói.
Trước thông tin một số nước khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước mưa cộng với hôm qua khu vực Hà Nội xuất hiện những trận mưa nhỏ khiến người dân lo ngại, TS Phúc cho rằng hàm lượng phóng xạ rất thấp không ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần bình tĩnh, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, không nên quá lo lắng.
Nhiều nước phát hiện phóng xạ trong không khí
Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) hôm qua thông báo vừa phát hiện phóng xạ I-131, được cho là đến từ Nhà máy Fukushima số 1 của Nhật Bản, tại 12 trạm quan trắc, trong đó có Seoul. Yonhap dẫn lời Chủ tịch Yun Choul-ho của KINS cho hay lượng phóng xạ được phát hiện rất nhỏ nên không gây nguy cơ sức khỏe, dù một người có bị phơi nhiễm thường xuyên trong một năm. Theo AFP hôm qua, giới chức Anh, Trung Quốc và Philippines cũng thông báo phát hiện phóng xạ hàm lượng nhỏ đến từ Nhật Bản, nhưng khẳng định chưa có đe dọa nào đối với sức khỏe và môi trường. Giới chức Mỹ cũng đã phát hiện phóng xạ ở mức thấp trong bầu khí quyển ở các bang South Carolina, North Carolina và Florida.
Minh Trung
Thái Lan phát hiện phóng xạ trong khoai lang
Hôm qua, Bộ Y tế Thái Lan cho hủy khoảng 75 kg khoai lang nhập khẩu từ Nhật Bản vì phát hiện phóng xạ trong lô hàng này. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Thái Lan (FDA) cho biết họ kiểm tra 94 mẫu thực phẩm gồm cá, rau, củ quả nhập từ Nhật trong khoảng thời gian từ 16-27.3 thì chỉ có khoai lang bị phát hiện có chất phóng xạ ở mức độ rất thấp. Tuy nhiên, giới chức vẫn quyết định tiêu hủy số khoai này để phòng ngừa FDA chỉ giữ lại một lượng nhỏ để tiếp tục theo dõi mức độ phóng xạ có biến đổi trong khoai theo thời gian hay không.
Minh Quang |