Sau khi có bài phân tích nguy cơ uy hiếp an toàn bay khi xây sân golf và khu dịch vụ trong sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), nhiều chuyên gia tiếp tục chỉ ra những điểm bất hợp lý của dự án này.
Đi ngược nguyên tắc
KTS Lê Công Sĩ (Hội Kiến trúc sư VN) cho rằng ở các quốc gia, thông thường sân bay được xây dựng ở vùng ngoại ô, cách xa khu dân cư vì các lý do an toàn, tránh áp lực giao thông và ô nhiễm tiếng ồn... Trong trường hợp chẳng đặng đừng phải bố trí sân bay trong nội đô như TP.HCM, thì việc xây dựng các công trình trong phạm vi vùng trời lân cận sân bay (khu vực có bán kính 30 km từ tâm sân bay) bao giờ cũng phải tuân theo nguyên tắc "lòng chảo" - tức càng về gần sân bay thì chiều cao công trình phải càng thấp, nhằm đảm bảo an toàn cho máy bay hạ dần độ cao để đáp xuống đường băng. Trong khi đó, dự án sân golf nằm ngay sát đường băng lại cho xây đến 12 tầng, cao hơn cả các công trình dân cư nằm bên ngoài sân bay thì có thể thấy ngay sự bất hợp lý. Việc đảm bảo nguyên tắc "lòng chảo", hạn chế xây dựng và tập trung dân cư gần sân bay không chỉ để phục vụ việc cất - hạ cánh an toàn, mà còn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra khi chẳng may máy bay gặp tai nạn.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư TP.HCM - cho rằng theo quy định, việc đảm bảo tĩnh không an toàn bay được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Thực tế, các công trình ở khu vực Q.Tân Bình, Gò Vấp muốn xin giấy phép xây cao tầng rất khó khăn, phức tạp, bao giờ cũng phải điều chỉnh độ cao cho phù hợp quy định. Thời gian qua, nhiều trường hợp nhà dân chỉ xây cao hơn quy định 0,5 - 1m cũng bị cưỡng chế tháo dỡ vì vi phạm tĩnh không an toàn bay. "Tôi rất ngạc nhiên khi một công trình ngay sát đường băng cất - hạ cánh của máy bay lại được cấp phép cao đến 50m. Việc sân bay TSN có quá nhiều khu dân cư san sát như hiện nay đã là bất cập rồi, chỉ còn mỗi khoảng đất trống trong sân bay chúng ta không nên đô thị hóa nốt. Có thể tham khảo các nước là trồng cỏ, cây xanh ở phần đất bên dưới vòng lượn của máy bay để tạo cảnh quan, chứ không nên lạm dụng cho các dự án bất động sản. Các nước quy hoạch sân bay ngoài khu dân cư, còn ta lại lấn đất sân bay bằng các khu dịch vụ cao tầng là rất bất hợp lý", ông Dũng nhấn mạnh.
Đầu tư đón đầu?
"Tôi rất ngạc nhiên khi một công trình ngay sát đường băng cất - hạ cánh của máy bay lại được cấp phép cao đến 50m" - Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM |
TS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty tư vấn thiết kế NVD - nhận xét có vẻ dự án sân golf là một kiểu đầu tư đón đầu cho kế hoạch di dời sân bay TSN ra sân bay Long Thành (Đồng Nai). Tuy vậy, kiểu đón đầu này quá nóng vội, bởi thực tế sân bay Long Thành vẫn còn trên giấy và cũng chưa thể biết chính xác thời điểm hoàn thành. Do vậy, trong thời gian chờ di dời, rất cần giữ lại quỹ đất trống cạnh sân bay để đảm bảo an toàn bay cũng như làm quỹ dự phòng cho các nhu cầu có thể phát sinh trong thời gian sân bay TSN còn hoạt động. Thực tế nhà ga quốc tế sân bay TSN đầu tư hàng trăm triệu USD cũng chỉ mới khánh thành vài năm và còn có thể phục vụ ít nhất 15 - 20 năm nữa nên rất cần quỹ đất dự phòng. Nếu đầu tư sân golf trong thời điểm sân bay TSN vẫn vận hành bình thường như hiện nay chẳng khác nào "nhà mới chưa xây mà đã tính bán nhà cũ".
Ông Mai Trọng Tuấn - cựu phi công quân đội - cũng cho rằng sân bay TSN chưa di dời ngay ngày mai và thời gian hoạt động hẳn còn rất dài. Do đó, nhất thiết phải giữ lại quỹ đất dự phòng. Biết đâu chỉ vài năm tới lại phát sinh nhu cầu mở rộng, bởi thực tế hiện nay cho thấy sân bay TSN đã có dấu hiệu quá tải, thiếu chỗ đậu máy bay. Quan trọng hơn cần dành quỹ đất là để không lâm vào cảnh bị động trong tương lai. Ông Tuấn phân tích, theo quy hoạch, khi hoàn thành sân bay Long Thành sẽ di dời ga quốc tế về đấy, còn TSN chỉ phục vụ quốc nội. Đây là điều rất bất hợp lý. Hầu hết các nước tiên tiến đều bố trí ga quốc tế và quốc nội chung trong một sân bay để tiện cho việc quá cảnh. Tách riêng quốc tế và quốc nội cách nhau hàng chục km như sân bay TSN và sân bay Long Thành sẽ cực kỳ phức tạp. Chẳng hạn, khách quốc tế đến du lịch tại một địa phương của VN trước tiên phải bay đến Long Thành, sau đó cả người và hành lý tiếp tục quá cảnh đến sân bay TSN cách đó hàng chục km để bay các tuyến quốc nội, hoặc ngược lại.
"Trên thế giới cũng có một số nước bố trí sân bay quốc nội cách xa sân bay quốc tế, song trước đó họ đã xây đường cao tốc phục vụ riêng cho nhu cầu lưu thông giữa 2 sân bay", ông Tuấn phân tích.
Khó hiểu
LS Trần Vũ Hải - VP Luật sư Trần Vũ Hải - cho rằng, về nguyên tắc, đất quốc phòng là nhằm phục vụ mục đích quốc phòng. Trong thời gian chưa sử dụng đến, có thể cho dùng cho các mục đích tạm thời và thường chỉ ký hợp đồng cho thuê theo từng năm. Trường hợp lấy đất quốc phòng cho thuê dài hạn 50 năm để xây các công trình cao ốc kiên cố như dự án sân golf TSN, đây là lần đầu tiên mới thấy. Thông thường, với trường hợp này, phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất quốc phòng sang đất dân dụng. |