Hôm qua 15.7, Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2010. Cuộc họp đã “nóng” lên bởi nhiều ý kiến cho rằng Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã bỏ rơi nông dân trong vụ Vedan.
Rất nhiều ý kiến nêu việc lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM quyết liệt đưa Vedan ra tòa, còn Đồng Nai vẫn loay hoay lấy ý kiến nông dân “kiện hay thương lượng” trong khi thời hiệu khởi kiện hiện không còn nhiều. Cụ thể, có ý kiến băn khoăn việc Hội Nông dân (HND) lấy ý kiến hơn 300 hộ dân ở 4 xã thuộc 2 H.Long Thành và Nhơn Trạch liệu có đại diện nguyện vọng của hơn 5.000 hộ dân bị thiệt hại do Vedan gây ra; nếu thương lượng không thành, thì ai gánh chịu thiệt hại của người nông dân khi thời hiệu khởi kiện đã hết... Nhiều ý kiến đề nghị UBND và Tỉnh ủy Đồng Nai phải có quan điểm rõ ràng “kiện hay không” nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân...
|
Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai nói rằng “không bỏ rơi nông dân” - ảnh: Hoàng Tuấn
|
|
Trong phần trả lời, ông Trần Như Độ, Chủ tịch HND Đồng Nai, nêu lại nhiều khó khăn khi khởi kiện Vedan như thiếu chứng cứ, không có tiền nộp án phí, không có người đại diện cho nông dân... đồng thời bày tỏ quan điểm “thương lượng vẫn tốt hơn đưa Vedan ra tòa. Kể cả thương lượng con số gần 120 tỉ mà UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Vedan”.
Trước băn khoăn việc HND chỉ lấy ý kiến của hơn 300 hộ dân trong hơn 5.000 hộ dân bị thiệt hại, ông Độ nói: “Chúng tôi không thể lấy hết ý kiến của 5.000 hộ dân mà chọn ra thành phần bị thiệt hại, trưởng và phó ấp, HND ở địa phương... nên việc đại diện là hợp lý. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ tổng hợp trình cơ quan chức năng để đưa ra hướng giải quyết. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm với nông dân”.
Bà Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai là giúp nông dân hết mình, nhưng phải tiến hành thận trọng đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích các bên nên mới giao các ngành rà soát, báo cáo nên thực hiện bằng con đường hành chính hay tố tụng, chứ không lấy cách làm của Bà Rịa - Vũng Tàu hay TP.HCM để áp dụng. Còn nếu làm chậm, gây thiệt hại cho nông dân thì phải quy trách nhiệm đến cùng”. Tương tự, ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, cũng nói: “Quan điểm của Tỉnh ủy là nhất quán, rõ ràng, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, nguyện vọng của nông dân. Còn đền bù bằng cách nào? Định tính thì nói rất dễ, như thống kê trước đây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng từ kê khai của người dân; hay như văn bản của Viện Môi trường - Tài nguyên (đánh giá Đồng Nai thiệt hại gần 120 tỉ - PV) cũng chỉ có giá trị tham khảo. Còn định lượng thiệt hại cho từng hộ thì rất khó vì Vedan xả thải đã xảy ra cách đây hơn 10 năm”.
Cũng theo ông Tới, việc Tỉnh ủy ban hành Văn bản số 400 ngày 8.6 cũng chỉ mong muốn lấy ý kiến của người dân, trong đó có phân tích những khó khăn, nhưng chỉ mang tính giải thích, chứ không ép nông dân chọn hình thức nào, khởi kiện hay thương lượng. Đến nay, Tỉnh ủy vẫn chưa kết luận chính thức, do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. “Tuy nhiên, do chạy đua với thời gian, sợ hết thời hiệu nên tỉnh đang chỉ đạo các ngành ráo riết tính toán. Chúng tôi không thiếu trách nhiệm, không bỏ rơi nông dân”, ông Tới đúc kết.
Trong khi cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai còn chưa thể quyết định kiện hay không, thì tại xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đã có 2 nông dân đang củng cố chứng cứ và tham khảo ý kiến của luật sư để khởi kiện Vedan ra tòa. Nhiều luật sư cũng bày tỏ mong muốn trợ giúp pháp lý cho nông dân khởi kiện Vedan. Trước những thông tin này, ông Trần Như Độ cam kết: “Nếu nông dân nào muốn kiện thì chúng tôi cũng như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở NN-PTNT sẵn sàng cung cấp chứng cứ”.
Vedan vẫn “cù cưa” với nông dân TP.HCM
Chiều qua 15.7, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp với Vedan để nghe báo cáo việc xúc tiến đền bù cho nông dân Cần Giờ. Tại cuộc họp, đại diện Công ty Vedan nại ra lý do chưa nhận được tài liệu liên quan từ các ngành chức năng, con số thiệt hại mà Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đưa ra (107 tỉ đồng - PV) chưa có cơ sở... Vedan hẹn lại với các ban ngành chức năng TP.HCM ngày 20.7 (thời điểm HND TP.HCM dự kiến nộp đơn khởi kiện Vedan ra tòa - PV) tiến hành đi khảo sát thực địa, rồi đưa con số đền bù cụ thể (trước đây Vedan chỉ đồng ý hỗ trợ 7 tỉ đồng). Nhiều ý kiến cho rằng Vedan đang tìm kế "hoãn binh" để kéo dài thời gian, nhằm cho vụ việc hết thời hiệu khởi kiện...
|