Dù bị mù từ nhỏ và không qua trường lớp âm nhạc nào nhưng ông Nguyễn Quang Ái ở thôn Đông Triều, xã Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã khiến nhiều người thán phục với tài đàn hát.
Với ông Ái, từ lâu những chiếc đàn đã là người bạn tri kỉ
Từ mù lòa thành thầy dạy nhạc
Ông Nguyễn Quang Ái (SN 1946) là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em, quen nghề chài lưới. Lên 9 tháng tuổi, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi của ông hai con mắt. Những năm tháng tuổi thơ, cậu bé Ái sống chỉ biết đến bóng tối. Khi bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Ái chỉ biết dò dẫm một mình trong căn nhà với tự ti, mặc cảm.
Khi lên 14-15 tuổi gì đó, ông được nghe tiếng đàn bầu trong dịp cùng anh trai đi xem hội làng. Không hiểu sao, tiếng đàn bầu thánh thót, lúc trầm, lúc bổng đã khiến tâm hồn héo úa của chàng trai mù như hồi sinh.
Sau lần ấy đã thôi thúc khiến Nguyễn Quang Ái quyết tâm học đàn. Không ai dạy, Ái tự học. Với người lành lặn, chơi đàn bầu đã khó và với Ái, điều đó còn khó hơn gấp trăm lần. Không có điều kiện mua đàn, Ái nhờ một bác thợ mộc trong làng tận dụng tre, luồng thừa đẽo cho hao hao giống rồi dùng dây cước (lấy từ lưới đánh cá) buộc lại. Mãi đến năm 40 tuổi, ông mới được sở hữu chiếc đàn bầu thực thụ do một người làm thợ mộc tặng, còn chiếc guitar được ông bác họ đi bộ đội mang về không chơi nữa đem cho.
Khi nghe đài phát thanh, ông biết được một số làn điệu dân ca ví dặm, chèo, rồi cố nhớ lời, nhớ nhạc để tự mình vừa đàn, vừa hát. Với tài năng thiên bẩm, Ái đã chơi nhuần nhuyễn nhiều bài dân ca, nhạc cổ bằng chiếc đàn bầu tự chế khiến gia đình và những hàng xóm không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Thành thạo đàn bầu, ông Ái lại tìm thấy niềm đam mê với sáo trúc, đàn nguyệt, guitar…
Không biết chữ nhưng chàng trai mù vùng biển làng Quỳnh có khả năng học thuộc và nhớ rất nhiều làn điệu dân ca của các vùng miền. Chẳng mấy chốc, chuyện chàng mù ca hay, đàn giỏi đã lan khắp làng rồi khắp huyện và được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Mới 25 tuổi, Nguyễn Quang Ái đã được mời đi dạy nhạc cho một số xã lân cận như Quỳnh Phương, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện…
Hết đi dạy đàn, ông được một số người bạn chơi nhạc ở Quỳnh Phương mời vào ban nhạc phục vụ khách, lễ hội ở Đền Cờn. Làm được 2 năm, vì thấy nhàm chán nên ông nghỉ và bắt đầu ngao du với kiếp cầm ca.
Long đong kiếp cầm ca
Ông Ái có 3 đời vợ. Hai người vợ trước đều là những người đàn bà lành lặn. Cả hai người phụ nữ lần lượt đến với ông cũng vì cảm mến tiếng đàn, lời ca và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của bà con chòm xóm cùng sự ngăn cấm của gia đình để cùng ông xây tổ ấm. Sau mấy năm chung sống, vì không sinh được con nên cả 2 bà vợ của ông Ái đều tự nguyện ra đi với hi vọng ông tìm duyên mới sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn.
Buồn. Trống vắng. Lang bạt khắp nơi với hành trang mang theo là mấy cây đàn, một ngày kia ông Nguyễn Quang Ái đến công trường xây dựng hồ Vực Mấu thuộc xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu). Ở đây, ông biểu diễn tại một vài khu lán trại của dân công trên công trường. Không biết duyên số đưa đẩy thế nào, ông Ái được gán ghép với o (cô) dân công tên Nguyễn Thị Sáu (quê Nông Cống, Thanh Hóa).
Vợ chồng ông Ái cùng các cháu nội, ngoại
O Sáu cũng từng có một đời chồng và 2 đứa con (một trai, một gái) nhưng vì sống không hòa hợp nên mỗi người mỗi nẻo. Con trai theo bố, o Sáu mang con gái mới mấy tháng tuổi vào xứ Nghệ làm dân công. Gặp ông Ái mù, thấy hoàn cảnh vậy thì thương tình và nghĩ đến cảnh ngộ của mình nên o Sáu không ngần ngại chủ động: “Anh có đồng ý lấy tôi không?”. Ông Ái không khỏi bất ngờ trước lời nói ấy của o dân công nên liền hỏi lại: “O nói đùa hay nói thật đó? Đời tôi khổ nhiều rồi!”.
Sau đó, thấy o Sáu chân thành và sau bao ngày lang bạt với sự cô độc, trong sâu thẳm ông Ái cũng mong có một người ở bên cạnh mình sớm hôm nên đồng ý.
Đám cưới xong, vợ chồng ông Ái về quê vợ ở Thanh Hóa sinh sống. Sống trong cảnh nghèo túng nhưng vợ chồng ông Ái vẫn luôn yêu thương nhau. Hai năm ở đây, ông bà có với nhau một trai, một gái nhưng nghiệt ngã thay, cả hai đứa con ấy đều bỏ bố mẹ mà đi khi mới tròn 3 tháng tuổi.
Đau đớn và tuyệt vọng, ông Ái bàn với vợ rời bỏ vùng đất này về quê nội. Sống chung với bố mẹ mấy tháng, vợ chồng ông quyết dọn ra ở riêng khi “gia tài” chỉ có 2 gian nhà tranh vách đất. Cuối năm 80 (TK XX), bà Sáu sinh hạ được một đứa con trai kháu khỉnh mà vừa mừng, vừa lo. Và điều không mong đợi lại đến, khi chỉ thiếu 3 ngày là tròn 3 tháng tuổi thì một lần nữa, vợ chồng ông Ái lại vật vã đau đớn khi đứa con không còn trên cõi đời. Sau cú sốc ấy, bà Sáu đổ bệnh nặng nằm mấy tháng trời và sức khỏe yếu dần khi cơ thể chỉ còn 27 kg.
“Tưởng không thể sống được nên tôi đã nói với nhà tôi rằng: Tôi chắc chết! Còn con Lợi (con riêng của bà Sáu) đó, ông chịu khó nuôi và yêu thương nó. Ông biết đàn hát thì hai cha con dắt nhau đi kiếm ăn chứ đừng về Thanh Hóa”, bà Sáu hồi tưởng.
Nhiều năm qua, căn nhà của ông Ái là điểm lui tới thường xuyên của những người yêu đàn, hát trong làng. Chơi được guitar, đàn bầu, nhị, sáo trúc, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, Amonica nhưng với nghệ sĩ mù Nguyễn Quang Ái, đàn bầu được xem là “đứa con cưng”, là bạn tri kỷ lúc vui, lúc buồn. Bây giờ, trước lúc đi ngủ, ông Ái thường ngẫu hứng một vài làn điệu dân ca với chiếc đàn bầu quen thuộc. |
Ông bộc bạch: "Nếu một ngày không gảy được một vài bản nhạc với chiếc đàn bầu thì ông không còn hứng thú gì nữa".
Không còn nước mắt để khóc, ông Ái chỉ biết động viên vợ đừng nghĩ quẩn và gắng ăn uống cho chóng khỏe. Hằng ngày, tự ông mò mẫm đi xin gạo của anh em, của bà con chòm xóm về nấu cháo cho vợ.
Và may sao, vợ ông dần khỏe lại. Đến năm 1982, bà Sáu lại có bầu và cuối năm sinh được đứa con trai bụ bẫm. Điều đặc biệt là cả 10 móng chân của người con trai này chỉ bằng một nửa so với người bình thường và đến giờ vẫn vậy. Sau đó, vợ chồng ông bà sinh thêm 2 đứa con nữa và đều khỏe mạnh.
Không còn phải lo chuyện con cái khó nuôi, vợ chồng ông Ái bảo ban nhau làm lụng nuôi con. Chồng mù, con mọn nên gánh nặng đều dồn lên vai bà Sáu. Mẹ chạy ăn từng bữa từ sáng đến tối mịt mới về nên Nguyễn Thị Lợi từ nhỏ đã thành “trụ cột”. Vừa chăm sóc 3 đứa em, Lợi còn mò cua, bắt ốc, bán ngô luộc giúp bố mẹ thêm đồng tiền đong gạo. Nhưng tai họa lại thêm một lần giáng xuống nhà ông "nghệ sĩ mù".
Năm 1994, vì nhẹ dạ cả tin, Lợi đã nghe theo một người quen biết với hi vọng kiếm được đồng tiền cho gia cảnh thoát nghèo nhưng có ngờ đâu, Lợi phải lưu lạc nơi xứ người tận 18 năm trời. Ngày con đi, vợ chồng ông Ái không hề hay biết, mấy ngày không thấy con về mới tất tả đi tìm khắp nơi mà không thấy. Căn nhà vốn đã nghèo lại càng nghèo và thêm cô quạnh. Một năm, hai năm rồi 10 năm,… không biết bao đêm vợ chồng ông Ái đã khóc vì thương nhớ con.
Nay, gia đình không phải chạy ăn từng bữa như trước nữa, ông Ái gia nhập đội nhạc của CLB Người cao tuổi xã Quỳnh Dị. Thi thoảng, ông lại đi biểu diễn vào dịp lễ hội ở các địa phương. Nguyễn Thị Lợi gần 20 năm lưu lạc đã trở về và có việc làm ổn định ở xưởng cá Quỳnh Lập. Cuộc sống của ông hiện giờ dựa vào trợ cấp với 360 nghìn đồng/tháng.