Đó là khẳng định của ông Hoàng Minh Hào - phó vụ trưởng Vụ Tiền lương tiền công Bộ LĐ-TB và XH - tại hội thảo “Thực trạng chính sách tiền lương và hướng cải cách” được Ủy ban Các vấn đề xã hội tổ chức sáng 17-5.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng chỉ nên quy định một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội, không phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp
Ông Đoàn Cường - vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ - cho biết “từ năm 2004 đến nay Chính phủ đã tám lần tăng lương”. Ông Cường nói rằng “khó khăn lớn nhất cho việc cải cách tiền lương là ngân sách có hạn trong khi người hưởng lương quá lớn”.
“Tăng lương lâu nay phải nói là chỉ bù đắp được mức tăng chỉ số giá cả, tức là chỉ bù vào được lạm phát, chứ chưa đáp ứng được mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống. Mức lương tối thiểu quy định trong khu vực nhà nước chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu sống tối thiểu, còn lương tối thiểu quy định cho khu vực doanh nghiệp theo từng vùng chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu sống tối thiểu” - ông Hoàng Minh Hào cho hay.
Theo ông Hào, hệ thống thang, bảng lương nhà nước theo quy định hiện hành không đảm bảo khuyến khích lao động và ngày càng xa rời thực tế. Giá trị mức tiền lương rất thấp, không phù hợp với cơ chế thị trường. “Lương tối thiểu phải phản ánh đúng nhu cầu sống. Thang, bảng lương phải do thị trường điều tiết. Nhà nước không nên can thiệp sâu” - ông Hào nói.
Bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - cũng khẳng định chính sách lương hiện nay đang bất cập trong toàn xã hội và cần có lộ trình để thực hiện các bước cải cách. Bà Mai cho biết hội nghị trung ương vừa rồi đã cho chủ trương sẽ tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu, ưu tiên điều chỉnh trước đối với khu vực doanh nghiệp. “Mục tiêu là năm 2015 sống được bằng lương” - bà Mai cho biết.
Vẫn theo bà Mai, với thang, bảng lương hiện nay một sinh viên ra trường vào làm việc tại khu vực nhà nước được hưởng lương khoảng 3 triệu đồng, lương bộ trưởng khoảng 13 triệu. Vì lương chưa đủ sống nên người ta phải làm thêm các việc khác nhau, không thể toàn tâm toàn ý cho công việc.
“Khu vực nhà nước nên dùng một khái niệm khác, chứ không dùng khái niệm lương tối thiểu nữa (có thể gọi là lương cơ bản hoặc lương khởi điểm, còn nếu dùng khái niệm lương tối thiểu thì chỉ đưa ra một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội)” - bà Mai đề nghị.
Ý kiến của bà Mai được ông Nguyễn Duy Thăng - thứ trưởng Bộ Nội vụ - đồng tình: “Nên đưa ra một mức lương tối thiểu chung, không thể nói là lương tối thiểu ở khu vực này cao hơn hay thấp hơn khu vực khác, bởi vì nhu cầu tối thiểu của người VN là như nhau”.
Ông Thăng cũng dẫn ý kiến cho rằng khu vực nhà nước lương thấp nhưng thu nhập lại không thấp. “Hiện nay có 17 loại phụ cấp, ngành nào cũng có đặc thù. Cái gì cũng đặc thù thành ra chẳng còn cái gì là đặc thù nữa. Sắp tới sẽ tính toán kỹ vấn đề này” - ông Thăng khẳng định