Hotline: 0908961396

Mất điện vẫn còn nếu nắng nóng liên miên

9/7/2010
Mất điện vẫn còn nếu nắng nóng liên miên
Nhiều hồ thủy điện miền Trung, miền Nam đã về sát mực nước chết; hàng loạt sự cố trên đường dây và các nhà máy điện liên tiếp diễn ra gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong tuần đầu tháng 7 dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.

Nắng nóng gay gắt có thể làm cho tình hình mất điện ngày càng căng thẳng và diễn ra thường xuyên hơn.
 

Trong tuần đầu tiên của tháng 7, Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có ngày lên đến 45oC, trời hoàn toàn không mưa.

Kể từ ngày 1/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện điều hòa phụ tải tại các địa phương (trừ trường hợp bất khả kháng), phụ tải hệ thống điện đã tăng rất cao.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện trung bình 7 ngày đầu tháng 7 là gần 310 triệu kWh/ngày, tăng hơn 24% so với các ngày tuần đầu tháng 7/2009, riêng miền Bắc tăng gần 33%, sản lượng cao nhất đạt gần 330 triệu kWh (ngày 6/7).

EVN cho biết, lưu lượng nước về các hồ trong những ngày đầu tháng 7 đều thấp ở cả 3 miền. Do không có mưa trên lưu vực, các hồ thuỷ điện miền Trung, miền Nam như Ialy, Hàm Thuận, Trị An, Thác Mơ, v.v... đã về sát mức nước chết (Trị An còn 31 cm, Hàm Thuận còn 19 cm, Thác Mơ 75 cm, Ialy còn 60 cm).

Các nhà máy thuỷ điện bắc miền Trung như Bản Vẽ, Cửa Đạt chỉ phát sản lượng thấp do không có nước. Riêng hồ Hòa Bình ở mức 85,23m (trên mức nước chết hơn 5m), hồ Tuyên Quang hơn 97m (trên mức nước chết hơn 7m), hồ Thác Bà hơn 46m (trên mức nước chết 50 cm).

Một số nguồn nhiệt điện than mới ở khu vực phía Bắc vừa qua có sự cố như TM 2 Nhiệt điện Quảng Ninh (dự kiến 8/7 đốt lại), tổ máy S1 NĐ Sơn Động (ngừng để sửa chữa, cải tạo lò, dự kiến cuối tháng 7 xong), TM 1 Nhiệt điện Quảng Ninh (ngừng sửa chữa bơm cấp và đường thải xỉ than đáy lò, dự kiến ngày 14/7 đốt lại).

Do nắng nóng gay gắt, phụ tải tăng cao, nhiều hồ thủy điện đã về mực nước chết, trên hệ thống điện đã xuất hiện tình trạng đầy, thậm chí quá tải một số đường dây và trạm biến áp (khu vực Tân Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình,...), nhất là đường dây 500 kV Bắc - Nam. Các đường dây 220 kV mua điện Trung Quốc phải vận hành rất căng thẳng, truyền tải công suất và điện năng cao. Trong giờ cao điểm, đã xuất hiện tình trạng điện áp và tần số hệ thống giảm thấp - là nguy cơ gây sụp đổ hệ thống.

Đặc biệt là đêm 8/7, trên hệ thống 500kV đã xảy ra sự cố, gây nhảy các đoạn đường dây Pleiku - Di Linh, Pleiku - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh, và 1 mạch đường dây Nho Quan - Hà Tĩnh, và MBA 500kV Hà Tĩnh, gây mất liên kết trên hệ thống điện 500kV, gây sự cố các tổ máy nhà máy điện Cà Mau, nhà máy điện Phú Mỹ, các nhà máy Buôn Kuốp, Sông Hinh, Serepok 3, 4, tổ máy S7 nhiệt điện Uông Bí mở rộng,... Sự cố đã gây ảnh hưởng đến cấp điện khu vực miền Trung (khoảng 700 MW) và miền Bắc (khoảng 2.000 MW).

Hoàng Minh
www.hoangminhco.com - Theo tintuconline