Hotline: 0908961396

Miền Trung vật vã trong lũ

09/11/2011
Miền Trung vật vã trong lũ
Ngày 8-11, nước lũ tại các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Định... vẫn ở mức cao, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, nhiều cụm dân cư bị cô lập hoàn toàn, giao thông nhiều khu vực bị chia cắt...

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hóp và cháu ngoại (P.Phú Bình, TP Huế) thoát chết nhờ cái tra (gác lửng sát trần nhà)

Đến chiều tối 8-11, các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy thi thể hai nạn nhân bị lũ cuốn trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua các xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Miền Trung vật vã trong lũ, Tin tức trong ngày, lu mien trung, ngap lut, lu lut, giao thong chia cat, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Xe tải 75H-6322 chạy trên tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Quảng Thanh (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) thì bị nước lũ cuốn, tài xế may mắn thoát nạn

Quảng Nam: Thêm 8 người chết

Lúc 10g ngày 8-11, em Nguyễn Quốc Vương (lớp 8 Trường THCS Trần Phú, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn) cùng em Nguyễn Phi Định (lớp 9) đi học. Khi đến quốc lộ 1A thì nước quá lớn nên hai em rẽ sang đường liên thôn nhưng bị lũ cuốn trôi. Định may mắn được cứu sống, Vương bị nước lũ nhấn chìm mất tích.

Tại Đông Giang (Quảng Nam) đến chiều 8-11, lực lượng tìm kiếm mới phát hiện thi thể cô giáo Trương Thị Nhân, giáo viên Trường THCS A Vương, huyện Đông Giang tại khu vực dốc Brùa, xã A Vương. Trước đó, khoảng 4g sáng 7-11 trên đường từ TP Đà Nẵng đến nơi dạy học, cô Nhân đã bị lũ cuốn trôi cùng chiếc xe máy. Như vậy tính đến 17g ngày 8-11, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, đã có thêm tám người chết và mất tích do lũ cuốn, nâng tổng số người chết tại Quảng Nam tính từ đầu cơn lũ lên 17 người.

Điều đáng nói là dù ngày 8-11 toàn tỉnh Quảng Nam trời không mưa, tuy nhiên nước vẫn rút rất chậm. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, do sóng biển lớn kèm theo áp thấp nên các cửa sông bị “hàn” miệng khiến nước thoát ra cửa biển rất chậm, trong khi đó các nhà máy thủy điện ở đầu nguồn vẫn tiếp tục xả lũ. Đến chiều tối cùng ngày, do nước lũ vẫn còn cao nên ngành điện lực quyết định cắt điện tại tám huyện trong địa bàn tỉnh khiến cuộc sống người dân hết sức khó khăn.

Trong khi đó tại Đà Nẵng, đến chiều 8-11 mực nước lũ ở các vùng ngoại ô vẫn ở mức cao, nhiều khu dân cư bị ngập nặng khiến người dân đi lánh nạn chưa thể trở về nhà. Tại huyện Hòa Vang, các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Phước... thôn làng vẫn còn bị nước nhấn chìm. Nặng nhất là xã Hòa Phong nước còn ngập quá cửa sổ, nhiều gia đình phải trèo lên mái nhà che chắn bạt tạm bợ để trú ẩn. Theo UBND xã Hòa Khương, trưa 8-11 ông Đặng Tánh (48 tuổi, thôn La Châu) trong lúc đi chống lũ không may bị trượt chân ngã chết trước sân nhà.

 

Tàu lửa mắc kẹt

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày 8-11 hầu như toàn bộ TP Huế và các huyện, thị xã ven sông Hương bị ngập sâu trong nước lũ. Toàn tỉnh có hơn 36.000 nhà bị ngập, nhiều nhà ngập 1,5m, hàng trăm cụm dân cư bị cô lập, chia cắt, phần lớn phải đi lại bằng ghe thuyền. Tất cả tuyến đường bộ đều bị ngập với nhiều đoạn ngập rất sâu, giao thông tê liệt. Đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh này cũng bị ngập đến 50cm ở đoạn Huế - Văn Xá khiến năm đoàn tàu khách bị kẹt tại các ga, đến chiều mới thông tuyến trở lại. Tỉnh có ít nhất 40 hồ đập bị hư hỏng cùng nhiều tuyến đê ngăn mặn và kênh mương bị sạt lở, xuống cấp. Bờ biển khu vực Thuận An - Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị xâm thực nặng trên chiều dài khoảng 3km, làm sập tường rào và uy hiếp một khu du lịch cao cấp ở đây...

Sáng cùng ngày, một thi thể được phát hiện trôi trên sông An Cựu. Nạn nhân được xác định là em Nguyễn Hữu Khá (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Long Quảng, bị lũ cuốn trôi tại xã Thượng Long, huyện miền núi Nam Đông ngày 5-11).

Hàng chục ngàn học sinh phải nghỉ học

Ngày 8-11, Bình Định không còn mưa to nhưng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, đồng thời hồ thủy lợi Định Bình xả lũ trước đó đã làm các khu dân cư ven đê đông của hai huyện Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục ngập trong lũ, gần 1.000 nhà dân bị ngập 0,3-0,5m.

Tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước có gần 500 nhà dân phía hạ lưu sông Côn ở các thôn Lạc Điền, Đông Điền, An Lợi, Phổ Đồng bị ngập trong lũ. Hơn 25.000 học sinh các cấp ở các xã phía đông huyện Tuy Phước tiếp tục nghỉ học ngày 8-11. Gần 10.000 công nhân ở những địa phương này không thể đến làm việc tại các khu công nghiệp ở TP Quy Nhơn. Tuyến xe buýt từ Quy Nhơn đi Gò Bồi (huyện Tuy Phước) và Cát Tiến (huyện Phù Cát) tạm ngừng hoạt động.

Đến chiều cùng ngày, người nhà và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm thấy thi thể cháu Võ Hồng Lam, 10 tuổi, ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân. Trước đó, chiều 7-11 trong lúc vớt củi tại cầu Bằng Lăng, cháu Lam đã bị lũ cuốn trôi.

Áp thấp nhiệt đới suy yếu nhanh, mưa giảm

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 8-11 áp thấp nhiệt đới hoạt động cách bờ biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng khoảng 170km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Ông Hải nhận định áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng ra biển Đông, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu rồi tan dần, ít có khả năng thành bão. Vì vậy tình hình mưa ở khu vực miền Trung sẽ giảm kể từ ngày 9-11. Mưa giảm cũng làm lũ trên các sông ở Trung bộ (ngày 8-11, từ báo động 2 đến báo động 3) sẽ xuống trong những ngày tới.

Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh làm vùng biển ở vịnh Bắc bộ, ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.

Nước mắt tràn suối Hóc Chim

Sáng 8-11, trong khi nhiều người đến giúp đỡ gia đình cụ Phạm Bảy lo mai táng anh Phạm Sĩ, hàng trăm người vẫn quần nát đoạn suối Hóc Chim (Vạn Ninh, Khánh Hòa) tìm thi thể anh Lê Mộng Điệp. Cả hai anh đều 35 tuổi, bị chết đuối ở suối này chiều tối 6-11 sau khi lao vào dòng nước dữ để cứu sống một người bạn.

Trên bờ suối, chị Đào Thị Ngọc Huệ (30 tuổi, vợ anh Điệp) thẫn thờ đứng dưới ánh nắng gay gắt. Không còn nước mắt để khóc, không còn giọng để kêu gào sau ba ngày tột cùng đau khổ, người vợ trẻ chỉ thầm khấn cầu sớm tìm được thi thể chồng... “Anh Sĩ đã về nhà rồi, sao anh không về mà nằm dưới suối lạnh lẽo mấy ngày nay” - chị Huệ nức nở.

Anh Lê Quốc Kháng, 34 tuổi, mặt đầy vết thương dài vì va vào đá, đứng trên bờ dõi ra xa, đôi mắt như khẩn cầu những người tìm kiếm sớm tìm được thi thể anh Điệp. Kháng chính là người may mắn sống sót sau khi đuối nước, được anh Sĩ và anh Điệp lao vào dòng nước dữ đẩy vào bờ. Kháng kể: “Tôi, Sĩ và Điệp ở gần nhà. Ngày 6-11, trời mưa dầm dề, không ai thuê mướn gì nên ba anh em rủ nhau mang mấy tấm lưới qua suối Hóc Chim kiếm ít cá về lo bữa cơm gia đình. Ai dè đó là buổi chiều định mệnh...”.

Kháng nói hôm đó lũ về, dòng suối chảy rất xiết. Ba anh thả lưới ở thượng nguồn rồi ngồi ở bờ tràn, giúp một số người mang thức ăn, vật dụng vô rẫy. “Hơn 16g, ba chúng tôi giúp em Phan Thanh Hùng ở cùng xóm đưa xe máy và thức ăn qua bờ tràn để vào rẫy an toàn. Trên đường về, Sĩ và Điệp đi trước, tôi đi sau, chỉ cách bờ khoảng 2m thì bất ngờ dòng nước chảy mạnh làm hẫng chân, cuốn thẳng xuống chân đập. Tôi cố bơi nhưng rồi đuối sức, chân bị chuột rút (vọp bẻ) nên chìm dần. Lúc ấy, cả Sĩ và Điệp đều lao xuống, đẩy mạnh tôi vào bờ. Lên được bờ, tôi hoảng đến ngất xỉu, khi được chở về nhà mới hay cả hai bạn Sĩ, Điệp không bao giờ về nữa...” - anh Kháng thổn thức kể.

Anh Phạm Sĩ ở chung cùng cha mẹ già trong ngôi nhà tạm, bốn phía là vách đất, rộng hơn 30m2. Ông Phạm Bảy, 70 tuổi, cha anh Sĩ, giọng đứt quãng kể: “Nhà nghèo rớt mồng tơi, năm 1998 Sĩ đi làm thuê ở Đắk Lắk rồi cưới vợ, sinh được hai con và ở luôn trên đó. Năm 2009 vợ chết, thấy cha mẹ già bệnh tật triền miên, Sĩ dắt hai con về đây chung sống. Cả nhà năm miệng ăn đều nhờ vào đồng tiền làm thuê làm mướn của Sĩ, giờ nó mất chúng tôi chẳng biết sống thế nào?”.

Anh Lê Mộng Điệp có hai con thơ là Lê Quốc Huy (10 tuổi) và Lê Anh Thắng (5 tuổi), cuộc sống khó khăn. Năm 1998, chị Huệ, vợ anh, làm công nhân lò gạch bị máy xay đất cán nát cánh tay phải nên phải cắt cụt, chỉ chăm con và lo việc nhà. Bà Nguyễn Thị Út, 66 tuổi, mẹ anh Điệp, vuốt tóc hai cháu, rớt nước mắt: “Điệp mất rồi, không biết vợ con nó sống làm sao”.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com