“Lương đủ sống”, 3 chữ đơn giản này là mong ước của hàng chục triệu người lao động, là mục tiêu phấn đấu của những đề án nghiên cứu, cải cách đồ sộ đầy hứa hẹn trong vài chục năm sau đổi mới. Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực, con đường đi đến mục tiêu này vẫn chưa ngắn lại là bao.
Người nghèo lo phải đóng thuế thu nhập
Đến hẹn lại lên, từ 1/5/2012, lương tối thiểu lại được điều chỉnh tăng thêm 25% lên 1.050.000 đồng. Mặc dù đã được tăng đều đặn mỗi năm 16 - 20% trong 5 năm gần đây nhưng lương tối thiểu vẫn hầu như không giải quyết được những bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay của hệ thống tiền lương.
Mỗi lần tăng lương, dù rất được hoan nghênh từ phía người nhận lương, nhưng thực tế giá cả và các nhu cầu chi tiêu tối thiểu khác thường tăng nhanh hơn mức lương danh nghĩa, khiến thu nhập thực tế của người nhận lương có khi còn bị hạ thấp hơn trước. Đặc biệt, có khi lương chỉ tăng cho một bộ phận người làm công ăn lương, nhưng hệ quả tiêu cực bởi giá tăng “đuổi và chặn” lương lại ảnh hưởng đến toàn bộ người lao động khác trong xã hội.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, với tộc độ lạm phát tăng cao trong 4 năm qua, (tổng cộng trên dưới 50%), lương tối thiểu danh nghĩa cũng được điều chỉnh, song mức ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân 5 triệu đồng đã trở nên lạc hậu. Nếu xét theo đà và áp lực lạm phát trong thời gian tới, nhất là về giá lương thực, thực phẩm và y tế, cũng như xăng, dầu, điện, nước... thì chắc chắn “gói thu nhập tối thiểu” dành cho một gia đình trung bình ở đô thị nước ta này còn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Nghịch lý này đã vô tình biến dân lao động làm công ăn lương chẳng mấy chốc trở thành người giàu vì dễ chạm ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân, vốn chỉ và cần đánh chủ yếu vào người giàu mới đúng.
Một nghịch lý khác nữa của hệ thống tiền lương là lương chính thấp hơn thu nhập phụ. Hiện tượng lương chính thấp, trong khi người nhận lương vẫn đủ tiền mua nhà, ô tô, đi du lịch nước ngoài là điều thường thấy ở Việt Nam. Và thuế thu nhập cá nhân vẫn chủ yếu là mối bận tâm lo lắng của những người lao động làm công ăn lương “3 cọc 3 đồng”, cho những cây viết có nhuận bút “còi” mà thôi.
Hiện tượng thu nhập “phụ” (từ các khoản bổng lộc, đặc quyền đặc lợi, những nhiễu...) trở thành nguồn sống chính của người ăn lương đang làm méo mó các quan hệ tiền lương tài chính và các quan hệ xã hội, cũng như nhân tố gây ra những tiêu cực và bức xúc xã hội khác.
Lương tối thiểu mới đáp ứng 50% nhu cầu tối thiểu
Bảng so sánh dưới đây cho thấy, mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu của khu vực hành chính có tăng lên qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu, chưa đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra trong đề án cải cách tiền lương.
Năm |
Mức lương tối thiểu theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà) (2) |
Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định (3) |
Tỷ lệ giữa mức lương cột 3 so với cột 2 |
2003 |
576.000 đồng |
290.000 đồng |
50,35 % |
2008 |
1.048.000 đồng |
540.000 đồng |
51,53% |
2011 |
1.410.000 đồng |
830.000 đồng |
58,87% |
Cụ thể là năm 2008, tính toán theo phương pháp nhu cầu tối thiểu (chưa tính đủ tiền nhà) thì cơ cấu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm đảm bảo 2.300 Kcal/người/ngày là 52,64% mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu và chi tiêu phi lương thực, thực phẩm là 47,36%. Vì vậy, mức lương tối thiểu mà chính phủ ban hành (bằng 51,53% so với mức lương tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu) áp dụng cho khu vực hành chính nhà nước, mới chỉ đảm bảo cho nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương năm 2004, việc tiền tệ hoá tiền nhà vào lương có tác dụng nâng cao vai trò của tiền lương. Tuy nhiên, do mức lương thấp và cơ cấu tiền nhà trong tiền lương cũng rất thấp nên không có ý nghĩa nhiều đối với khả năng cho thuê, mua nhà của công chức trên thị trường bất động sản, đặc biệt là ở các tỉnh thành phố lớn.
Theo Báo cáo “Xu hướng việc làm Việt Nam” do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội VN phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng và công bố vào tháng 3/2010 cho thấy, nhờ tăng trưởng kinh tế cao trong 10 năm qua, VN đã chính thức chuyển từ nhóm nước nghèo sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh đầy ấn tượng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, các vấn đề xã hội ở Việt Nam có phần gay gắt hơn, an sinh xã hội và chất lượng sống có chiều hướng đi xuống. Đặc biệt, có tới 77% lực lượng lao động của Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ thiếu việc làm bền vững và dễ rơi vào nghèo đói. Thực tế, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu trong vài năm trở lại đây lại càng tô đậm thêm nguy cơ này.