Hotline: 0908961396

Nguy cơ vũ khí Libya lọt vào tay bọn khủng bố

09/09/2011
Nguy cơ vũ khí Libya lọt vào tay bọn khủng bố
Sau khi thất thủ, lực lượng của nhà lãnh đạo Gaddafi để lại hàng trăm kho vũ khí trên khắp đất nước Libya. Một lượng lớn vũ khí này đã biến mất. Phương Tây lo ngại chúng có thể rơi vào tay quân khủng bố.

Trong nhiều thập niên qua, chính quyền Gaddafi đã tích trữ một lượng vũ khí khổng lồ. Khi NATO bắt đầu mở cuộc không kích Libya, lực lượng Gaddafi đã di dời vũ khí từ các kho tới những cơ sở phi quân sự như nhà kho gia đình, công ty, cánh đồng... Hai tuần sau khi Tripoli rơi vào tay quân nổi dậy, các kho vũ khí này hoàn toàn không được bảo vệ và bị cướp phá nghiêm trọng. Và trong những ngày qua, một số lượng lớn vũ khí từ đạn pháo xe tăng, đạn súng cối, mìn... đến tên lửa tầm nhiệt đã “không cánh mà bay”.

Báo Independent cho biết mới đây các đại diện của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) đến Tripoli và nhiều thành phố khác để cùng phe nổi dậy kiểm tra các kho vũ khí. Trên khắp cả nước Libya, hàng trăm kho vũ khí đã được định vị. Chỉ riêng ở thành phố Ajdabiyah, HRW tìm thấy có đến 60 kho vũ khí, tất cả đều đã bị cướp phá. Đại diện HRW Peter Bouckaert cho biết trong một kho không có ai canh gác, họ phát hiện tới 100.000 quả mìn chống tăng và mìn cá nhân.

Mối đe dọa tên lửa tầm nhiệt

Ngày 4-9, các đại diện của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) đến Tripoli để thanh sát một kho vũ khí, nơi đang chứa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tên lửa tầm nhiệt đất đối không, bao gồm loại SA-24 hiện đại do Nga sản xuất và loại SA-7 cũ hơn. Chỉ hai ngày sau, khi HRW đến đây, một lượng lớn tên lửa này đã biến mất và NTC cũng không hề biết ai lấy chúng đi. “Không thể ước tính có bao nhiêu tên lửa tầm nhiệt đã bị đưa ra khỏi đây” - Independent dẫn lời ông Bouckaert bày tỏ sự lo ngại.

Tên lửa SA-24 và SA-7 là các loại vũ khí tầm nhiệt có độ chính xác cao, được phóng từ bệ phóng đặt trên xe quân sự hoặc bệ phóng đặt trên vai. Với khả năng phá hủy máy bay quân sự và dân sự bay ở tầm thấp, loại vũ khí này rất được các tổ chức khủng bố và các nhóm phiến quân ưa chuộng. Theo AP, năm 2002 Al Qaeda từng sử dụng tên lửa SA-7 để bắn một máy bay Israel nhưng trượt mục tiêu. “Nếu có tên lửa SA-24, chắc chắn chúng đã thành công” - chuyên gia Bouckaert cho biết. Theo ông, không chỉ các nhóm khủng bố mà quân đội Iran cũng rất muốn sở hữu loại tên lửa hiện đại này.

Báo New York Times dẫn một số tài liệu quân sự cho biết Libya đã mua khoảng 5.270 tên lửa SA-24. Nhưng theo những tài liệu mới tìm thấy ở Tripoli, chính quyền Gaddafi mua ít nhất 7.592 tên lửa loại này. Một số chuyên gia phương Tây ước tính con số thực tế có thể lên đến 20.000. Chuyên gia Bouckaert cảnh báo nếu chỉ một phần số tên lửa này rơi vào tay khủng bố thì toàn bộ khu vực Bắc Phi sẽ trở thành “vùng cấm bay” và “đó sẽ là một thảm họa đối với hàng không thương mại trong khu vực”.

Ở Washington, John O. Brennan, quan chức chống khủng bố của chính quyền Obama, cảnh báo đây là một mối lo ngại lớn. Chuyên gia nghiên cứu tên lửa Matthew Schroeder thuộc Liên đoàn Khoa học Mỹ ở Washington cũng kêu gọi chính quyền mới ở Libya nhanh chóng điều tra để xác định số lượng tên lửa và vũ khí bị mất. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng kêu gọi chính quyền phe nổi dậy đưa lực lượng bảo vệ chặt các kho vũ khí.

Tái diễn “kịch bản Iraq” hậu chiến?

Các chuyên gia vũ khí cảnh báo tên lửa tầm nhiệt rất đáng ngại, nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với người dân Libya hậu chiến là đạn pháo xe tăng và đạn súng cối. Chỉ riêng lượng mìn chống tăng trong một kho vũ khí ở gần Yarmouk đã lên đến 70.000 quả. “Chỉ cần một quả đạn pháo là đã có thể tạo ra một xe bom - chuyên gia Bouckaert cho biết - Mà các kho vũ khí ở Iraq chỉ là con số nhỏ so với những gì vừa được tìm thấy ở Libya”.

Lượng đạn pháo và mìn ở Iraq hậu chiến đã cung cấp cho các nhóm khủng bố đủ vật liệu để chế tạo xe bom, áo bom suốt tám năm qua, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn lính Mỹ và hàng chục ngàn người Iraq.

Một viễn cảnh giống như Iraq có thể làm sụp đổ mọi nỗ lực tái thiết Libya. Chuyên gia Ahmet Uzumcu thuộc Tổ chức Chống vũ khí hóa học nhận định: “Nếu có người muốn tổ chức một cuộc chiến chống chính quyền mới của Libya, họ chỉ cần điều một đoàn xe tải đến các kho vũ khí không người canh giữ là có đủ vũ khí chiến đấu trong nhiều năm”.

Theo báo Time, NTC mới đây tuyên bố họ đang phối hợp với phương Tây để giải quyết vấn đề vũ khí. Liên Hiệp Quốc và NTC cho biết số lượng vũ khí hóa học còn sót lại của chính quyền Gaddafi đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền Mỹ cũng cho biết lượng uranium còn lại từ chương trình vũ khí hạt nhân của Gaddafi đã được đảm bảo an toàn.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com