Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất TPHCM với 74.000 ngôi mộ chôn rải rác trên diện tích 60 ha. Lò thiêu vẫn ngày ngày khai hỏa. Nhưng không chỉ vậy, nơi ấy còn có những bóng người.
Gia đình chị Hồng chưa biết sẽ đi về đâu
Với người Sài Gòn, khi nói về việc giã từ kiếp người để đi sang thế giới khác người ta thường chơi chữ: “Đi Bình Hưng Hòa”. Nơi đó là nghĩa trang lớn nhất thành phố, 74.000 ngôi mộ chôn rải rác trên diện tích 60 ha. Lò thiêu vẫn ngày ngày khai hỏa. Nhưng không chỉ vậy, nơi ấy còn có những bóng người.
Uống trà giữa ngàn nấm mộ
Chị Tư người ở tỉnh Long An, gia cảnh khó khăn nên lên thành phố buôn bán sinh nhai.
Tiếng là lên thành phố, dân thành phố mười lăm năm rồi, nhưng kỳ thực chị buôn bán trên những con đường chạy qua nghĩa trang, tối về ngủ trong ngôi nhà nát ngay sau lò thiêu.
Bán hàng rong ở Bình Hưng Hòa
Chị Tư nói với tôi: “Lò thiêu hoạt động bằng ga, dù xuôi chiều gió, tôi chẳng nghe mùi vị gì”. Vì sao lại làm ăn trong nghĩa trang?
Chị Tư bảo: “Chúng tôi không vốn liếng, biết thuê mặt bằng nơi đâu? Tốt nhất là tìm đến nghĩa trang này. Cứ thấy người ta đi tắt qua nghĩa trang, chúng tôi lại bày hàng ra bán. Trước thì bán kính, bán mũ chống nắng, bán khẩu trang, sau bán quần áo ấm, rau quả, bán cả diều cho bọn trẻ”.
Công an đi dẹp, họ chạy vào nghĩa trang núp. Vài hôm lại, tràn ra các ngả đường mòn với những chiếc xe đẩy cũ kỹ.
Chồng chị Tư thường pha ấm trà, ngồi giữa đêm trăng, xung quanh ông cả vạn ngôi mộ phủ đầy bụi bặm. Ông ngồi độc ẩm như vậy. Con đường đất đỏ quanh nghĩa trang vừa được rải nhựa vài năm. Người qua lại càng đông đảo.
Từ bàn trà của ông nhìn ra ngoài đường, thấy những cô gái điếm về già đang đón khách. Bóng họ thấp thoáng giữa các ngôi mộ, những chiếc xe đạp của họ đều mới tinh. Vợ ông gọi đám ấy là “gà móng đỏ”.
Vô số các con đường lớn nhỏ xuyên qua nghĩa trang, bởi Bình Hưng Hòa đã trở thành một khu dân cư đông đúc, với 300.000 người sinh sống xung quanh và xen kẽ với hơn 7 vạn ngôi mộ.
Tôi đi sâu vào các con đường mòn đất đỏ, thấy chúng được nối với nhau, vắng lặng, bí ẩn.
Thành phố chủ trương di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đã lâu mảnh đất thiếu đầu tư, hàng rào bao quanh nghĩa trang hư hỏng hết cả. Cỏ dại mọc tơi bời.
Chị Tư nói: “Hồi trước bọn nghiện rất nhiều, đêm đêm chúng vào phá mộ lấy sắt vụn để bán nên mồ mả hư hỏng lung tung cả nên nghĩa trang mới xấu như vậy”.
Những đứa trẻ lớn lên trong nghĩa trang
Tìm sự sống trên đất chết
Chị Tư (cũng lại là con thứ tư) người Sài Gòn gốc. Sau năm 1975, bố chị không tìm được việc làm, bèn theo lời sư phụ đi vào nghĩa trang.
Sư phụ mua mảnh đất trong Bình Hưng Hòa để chôn cất các đệ tử thân quý. Ông cụ vào ở làm rẫy và trông các mộ phần.
Tiếng là nghĩa trang nhưng thời ấy còn vắng vẻ. Cha con chị dựng lều, trồng ngô để sinh sống.
Rồi thành phố đông dần lên, nghĩa trang cũng dần đầy ắp, “tới mức họ chôn cất sát tường chúng tôi lịch kịch suốt ngày” – chị Tư nói.
Ông cụ bảo: “Nước giếng khoan giờ không uống được nữa đâu, con chỉ nên dùng nấu cơm”. Nhà phải dành dụm tiền mua nước khoáng để uống.
Mấy lần cha con tính chuyển nhà đi nơi khác, nhưng rồi họ bám trụ lại bởi công việc cần tới họ. Chị Tư bảo đâu chẳng biết, Bình Hưng Hòa người chết nuôi người sống.
Mỗi năm vào dịp này, “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, người ta lên tảo mộ, nhờ chị, các con chị và những người sống trong nghĩa trang sơn phết mộ phần, nhổ cỏ, quét vôi.
“Giờ có điện thoại, họ gọi lên trước. Chúng tôi dọn dẹp mộ sáng sủa, gia đình lên, cho bao nhiêu tùy tâm”. Nhà khá giả bồi dưỡng cả trăm ngàn nhưng nhiều gia đình chỉ đưa vài chục ngàn.
Tiếng sống giữa bảy vạn ngôi mộ, nhưng thực tình cả vạn ngôi mộ ít khi được chăm sóc. Chị Tư nói: “Chừng vài chục ngôi mộ nhờ chúng tôi chăm sóc hương khói thường xuyên thôi”.
Chị Tư chưa bao giờ thấy “ma chết” mà chỉ thấy “ma sống”. Chúng kéo tới cướp bóc, bài bạc, tự vẫn... Tháng 9 năm ngoái, công an vào nghĩa trang tổ chức vây bắt “trường gà” quy mô lớn nhất thành phố, bắt 99 đối tượng đá gà ngay trong các khu mộ.
Nghĩa trang đã thôi tiếp nhận chôn cất, mà án tử vẫn xảy ra. Giữa năm ngoái, thấy nhóm thanh niên đi xe máy ném một bao tải xuống chiếc giếng cạn, các em nhỏ tò mò mở ra xem và rụng rời thấy trong gói ni lông một đoạn chân người.
Nạn nhân bị chặt khúc vứt vào Bình Hưng Hòa. Một người khác chết cháy đen, chiếc xe máy của anh ta vẫn lủng lẳng chìa khóa.
Chị Út, một người dân sống gần nghĩa trang, 25 năm bán hương hoa, nói: “Dân chúng tôi rất hiền, hầu như không phạm tội. Án mạng đều do dân các nơi đến gieo vào”.
Chị Tư kể: “Một ông xe ôm chẳng biết từ đâu, bị chúng lừa chở vào Bình Hưng Hòa rồi cắt cổ”. Thủ phạm là ai? Dân chúng không biết được. Nhưng người ta sợ đám “ma sống” ấy lắm.
Hồng, cô gái sống giữa nghĩa trang với bầy con nhỏ nói với tôi: “Anh đừng đi sâu vào trong các khu mộ khi trời tối. Bọn nghiện lên cơn, chẳng còn biết gì đâu. Chúng sẽ ra tay lập tức”.
Những đứa trẻ sống trong ánh trăng
Cô Dung ra sống ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ năm 1980. Cùng những người như bà Bà Hẹn, bà Chín Sào, bà Thảo… cô thu nhập từ nghề coi mả. Người kinh tế khá giả một chút, lòng thơm thảo, nhờ dân coi mả hương khói cho mộ phần tổ tiên, thân tộc.
Rồi cô Dung lập gia đình, tới năm 1985 sinh ra Hồng. Lớn lên giữa muôn vàn nấm mộ, đến đời mình, Hồng lập gia đình và sinh ba đứa con. Cô theo nghề của mẹ: “Em đẻ con ba ngày rồi rời viện đem con về nghĩa địa”. Chồng cô làm nghề phụ hồ, công việc cũng không được đều.
Hồng chỉ cho tôi vài chục ngôi mộ mà mẹ con cô trông nom. Chúng đều sạch sẽ, thậm chí có hương hoa rất đẹp. Mấy ngôi lăng ốp gạch như ngôi nhà, mái che kiên cố, hàng rào bằng sắt bao quanh hẵng còn nguyên vẹn và vừa được sơn phết xanh biếc.
Trái ngược là hình ảnh cái lều nát của mẹ con Hồng. Túp lều không lớn hơn các ngôi mộ là bao, diện tích chỉ chừng hơn 6 mét vuông, cả nhà sinh sống.
Cuộc đời mình, rồi ba đứa con, họ sống trong nghĩa trang tối tăm không điện, không nước sạch. Hằng ngày, Hồng dắt con vào nhà một người hảo tâm tên Hương, gần nghĩa trang, xin tắm rửa, xin nước, sạc một cái đèn để xách ra dùng khi cần thiết.
Hồng nói với tôi: “Chúng em đã từng bị đuổi khỏi nghĩa trang, phải thuê nhà để ở. Làm quần quật, không đủ tiền trả thuê nhà. Lại cắp nón, rồng rắn trở lại chỗ này”.
Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa vừa được sở Tài chính TPHCM thông qua với tổng kinh phí bồi thường hơn 784 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 12 ha, sau thu hồi sẽ dành 10 ha xây dựng khu thương mại dịch vụ, 2 ha còn lại xây dựng khu lưu trữ tro cốt (phần lớn di cốt bốc lên sẽ được hỏa táng).
Tôi rời khỏi nghĩa trang Bình Hưng Hòa khi trời đã tối đen như mực. Chỉ lò thiêu vẫn sáng đèn. Bọn trẻ ngồi trên mồ mả để ngắm sao trời.
Dự kiến tháng 4, ngôi mộ đầu tiên sẽ được bốc lên hỏa táng, đến tháng 4- 2013 thì công việc giải tỏa Bình Hưng Hòa sẽ hoàn tất. Gia đình Hồng sẽ đi đâu? làm gì để sống trong những ngày tháng tới?
Cũng như bà Tư hay cô Út, Hồng nói: “Có lẽ em sẽ đi bán vé số dạo. Chỉ lo rằng không còn nghĩa trang nữa, chẳng biết sẽ sống ở nơi đâu”.