Hotline: 0908961396

Những viên đá đầu tiên ra Trường Sa

20/09/2011
Những viên đá đầu tiên ra Trường Sa
Vũng Tàu, ngày 19-9. Cảng công ty hải sản Trường Sa. 12g30... hơn 100 cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Tuổi Trẻ, đại diện bạn đọc và sinh viên, thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hồi hộp đợi kim đồng hồ chỉ số 1 (13g).

>> Read this on Tuoitrenews.vn

Đây là khoảnh khắc tận mắt thấy những viên đá đầu tiên của công trình “Góp đá xây Trường Sa” - những viên đá ấm tình bạn đọc Tuổi Trẻ - đưa xuống tàu Trường Sa 21 đến với đảo Đá Tây.

Không khí của buổi lễ xuất quân, của cuộc chia tay giữa những con người mà nhiều người trong số họ trước đó chưa từng quen biết nhau, quyến luyến và đầy xúc cảm.

Chuyến tàu đặc biệt

"Tôi tin tưởng rằng bằng trí tuệ, trái tim và bàn tay của các chiến sĩ hải quân, công trình sẽ hoàn thành đúng kế hoạch. Đồng thời tồn tại vững chắc để giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc"

Ông Trần Minh Sanh (chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Khi người dẫn chương trình đề nghị mọi người cùng ký tên lên những viên đá đầu tiên ra đảo Đá Tây để mai này dựng lên công trình “Góp đá xây Trường Sa” (giai đoạn 1), biết bao lời yêu thương gửi gắm trong từng viên đá thiêng liêng, viên đá của lòng dân và ý chí của người chiến sĩ hải quân: “Tất cả vì Trường Sa”, “Trường Sa thân yêu”, “Kiên cường Trường Sa”...

Đã thấy những đôi mắt long lanh trên gương mặt những đoàn viên trẻ, những sinh viên khi viết những lời gửi gắm bình dị thấm đẫm nghĩa tình với đảo xa ấy...

Đặng Văn Chinh, chàng chiến sĩ trẻ sinh năm 1989 vẫn không giấu được sự bẽn lẽn khi trò chuyện nhưng rất náo nức khi kể về chuyến tàu đầu tiên đi Trường Sa lần này của mình: “Chúng tôi đi, mang theo tinh thần của người trẻ và đặt trách nhiệm lên trên hết, sẽ làm hết sức mình và dùng kiến thức, sự hiểu biết của mình khi xây dựng công trình trên bờ để nâng Tổ quốc cao hơn nữa, vững mạnh hơn nữa”.

Còn trung úy Phạm Văn Hiệu, người đã đi xây công trình ở đảo từ năm 1996, cho biết: “Khi biết mỗi viên đá trong chuyến tàu này là do từng người dân hướng về Trường Sa đóng góp, chúng tôi rất xúc động, thấy ấm lòng và như được động viên thay cho anh em đang làm nhiệm vụ ngoài đảo. Chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa cao cả của chuyến hàng này và nguyện nỗ lực đem công sức, kiến thức bao năm của mình để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ cũng như vinh dự này”.

Nghe những chia sẻ của anh, ít ai biết người chiến sĩ công binh ấy đi biển từ tháng 3-2011 và mới về được 19 ngày - chưa kịp về thăm gia đình - thì được lệnh tăng cường vào quân cảng của hải đoàn 129 hải quân, tiếp tục ra Trường Sa.

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng - thuyền trưởng tàu Trường Sa 21 - không giấu được sự bồi hồi và xúc động. Giữa gió nắng ào ạt ở quân cảng, người thuyền trưởng dày dạn nắng gió nơi biển đảo tâm sự: “Khi nhận được lệnh chuyển đá ra Trường Sa, chúng tôi rất tự hào vì đây là chuyến tàu rất đặc biệt. Những viên đá này là biết bao gửi gắm, tình cảm và tấm lòng cao đẹp của nhân dân, bạn đọc. Chúng tôi sẽ cố gắng để tất cả những viên đá từ đất liền sẽ chuyển lên đảo an toàn, không để rơi xuống biển dù chỉ là một viên”.

Trong lễ xuất quân, Công ty Vinacafe Biên Hòa, Công ty Vinamilk và siêu thị Co-op Mart Vũng Tàu đã gửi tặng các chiến sĩ công binh cà phê hòa tan, nước giải khát và quà như những lời động viên và sự chia sẻ giản dị, thiết thực nhất trong những tháng ngày các anh xây dựng công trình trên đảo.

Dễ nhận thấy một gương mặt khá quen thuộc tại buổi lễ, anh Nguyễn Duy Nhân - phụ trách truyền thông Vinacafe Biên Hòa - người mà hơn một tuần trước đó là một trong số những bạn đọc có mặt ở Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa) tham dự lễ công bố các công trình “Góp đá xây Trường Sa” đợt 1.

Anh Nhân chia sẻ: “Chứng kiến những viên đá do bạn đọc đóng góp, trong đó có một chút công sức của cán bộ công nhân viên công ty, chỉ trong ít phút nữa thôi sẽ được chuyển ra Trường Sa, tôi vui và ấm lòng lắm”.

Tấm lòng của đất liền

Tại buổi lễ, ông Vũ Văn Bình - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã nhắc nhớ lại thêm một lần nữa về tấm lòng của bạn đọc: “Trong chuyến hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2011, có bạn sinh viên đã đem nắm đất ra để góp phần cho đảo bớt nhỏ trước biển... Sau gần bốn tháng phát động, giai đoạn 1 chúng ta đã vận động được hơn 18 tỉ đồng. Số tiền đó chưa phải là lớn, nhất là chưa lớn với Trường Sa. Nhưng đằng sau con số đó, chúng ta đã nhận được hàng ngàn tấm lòng rất lớn...”.

Bài phát biểu đầy xúc cảm ấy chưa dứt, bên dưới nước mắt đã lăn trên những gương mặt nữ sinh rất trẻ. Bạn Trần Thị Hồng Nhung - sinh viên Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu - lau vội giọt nước mắt, bảo: “Đây là lần đầu tiên em được tham dự một buổi lễ xúc động như thế này.

Chuyển xuống tàu những viên đá đầu tiên mang những dòng chữ thân yêu đầy tình cảm vừa được ghi lại tại lễ xuất quân thi công công trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ảnh chụp chiều 19-9 tại cảng Hải đoàn 129, TP Vũng Tàu - Ảnh: Thanh Đạm

Chuyển đá xuống tàu - Ảnh: Thanh Đạm

Buổi lễ chứa đựng rất nhiều tình cảm, tấm lòng của người ở lại dành cho người ra đi, dù trước đó chưa từng quen biết nhau. Khi nghe phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nói tết năm tới các anh sẽ ở ngoài đảo đón tết, em thấy thương và khâm phục các anh quá. Nhiều bạn trong trường không đi được đã gửi gắm rất nhiều tình cảm và lời chúc đến các anh, mong các anh luôn bình an và mạnh khỏe”.

Bạn đọc Đinh Thị Mai - đại diện Đoàn TNCS Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - chia sẻ: “Sau buổi lễ này tôi sẽ vận động các bạn đoàn viên trong cơ quan cùng chung tay góp sức tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa” thêm nữa và vận động bạn bè, đồng nghiệp để mở rộng sự lan tỏa hơn nữa”.

Thiếu tá Nguyễn Đức Thu (quê Bắc Ninh), đại diện các chiến sĩ công binh trực tiếp thi công tại đảo Đá Tây, quyết tâm nói: “Dù công việc có khó khăn, dù tết năm tới phải xa nhà nhưng với trách nhiệm của người chiến sĩ hải quân, với tình cảm thiêng liêng của hàng triệu người dành cho Trường Sa, chúng tôi quyết tâm phấn đấu lao động với năng suất trung bình 120-130%”.

Gần đến giờ chia tay là khoảnh khắc lưu luyến đầy cảm xúc. Những nhành hoa hồng người ở lại dúi vội vào tay người ra đi; những dòng chữ viết vội ghi lại tên, số điện thoại; những ánh mắt quyến luyến của các nữ sinh viên Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu trao gửi các chiến sĩ công binh.

Tàu hú lên hồi còi thứ ba. Từ trên boong tàu, trong những cánh tay vẫy chào người ở lại, có phóng viên Tuổi Trẻ Tấn Vũ. Anh là phóng viên duy nhất đồng hành cùng các chiến sĩ suốt hải trình và sẽ cùng chung tay xây dựng công trình để cảm nhận và sẻ chia những khó khăn với các chiến sĩ công binh.

Vậy là những viên đá đầu tiên đang trong hành trình vượt nghìn trùng sóng gió, mang theo lời hứa và niềm tin sắt đá của các chiến sĩ công binh hải quân cùng hàng ngàn, hàng vạn gửi gắm, tấm lòng, tâm hồn của đất liền.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com