Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đêm 29-7 bão số 3 (Nock-Ten) còn cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 410km về phía đông. Cường độ bão vẫn còn duy trì cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 11-12. Bão số 3 di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25km.
Theo TTKTTV, khoảng sáng và trưa 30-7, cơn bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh, thành phố - nơi được xác định bão đổ bộ đang tích cực chằng, chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào khu vực an toàn. Đến 7h sáng nay, bão số 3 cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh 290 km, giật cấp 11, 12.
Sáng 30-7, tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã thành lập 2 đoàn công tác đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình kiểm tra, đôn đốc công tác đối phó với bão.
Bộ trưởng cũng đề nghị, tùy theo tình hình thực tế, các địa phương chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc Bộ; tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè trên biển vào nơi trú tránh an toàn; triển khai sơ tán dân ở khu vực ven biển, cửa sông, khu nuôi trồng thủy sản, khu không đảm bảo an toàn xong trước 12h ngày 30-7; nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền tại khu neo đậu.
Các đơn vị cũng chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án di dời đảm bảo an toàn dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, vùng thấp trũng bị chia cắt khi xảy ra mưa lớn; triển khai thực hiện phòng chống bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền bao gồm: chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế đối với khu vực có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão trước 12h ngày 30/7.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu; phối hợp với các địa phương ở hạ du đảm bảo an toàn cho nhà dân và tài sản khi xả lũ; đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, các công trình đang thi công trên các tuyến đê biển, đê sông. Các đơn vị kiểm tra chặt chẽ việc dự trữ vật tư, phương tiện, thiết bị và lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố; chủ động tiêu nước đệm bảo vệ các trà lúa mới cấy.
Tại Hải Phòng: Ban chỉ huy PCLB-TKCN Thành phố xác định ngày mai Hải Phòng nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3. Ban chỉ huy đã ra 2 công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cho việc phòng, chống cơn bão số 3.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB - TKCN thành phố Hải Phòng, đến 16h ngày 28-7, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng thông báo, hướng dẫn cho 4.433 phương tiện với 14.951 lao động, 533 lồng bè nuôi thuỷ sản đang hoạt động trên vùng biển Hải Phòng biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh. Trong đó, 3125 phương tiện tàu thuyền về bến neo đậu, còn 1308 phương tiện đang hoạt động trên biển.
Các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố chuẩn bị lực lượng xung kích hộ đê, PCLB-TKCN, các phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”. Các vùng dân cư ven biển đang chủ động phương án di dân khi có tình huống xấu xảy ra. Các huyện có phương án chủ động chống ngập úng do mưa lớn…
Tại Quảng Ninh: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, Ban đã chủ động thông báo cho các ngành, các địa phương rà soát, triển khai các phương án phòng chống lụt bão đặc biệt lưu ý tới các địa phương có đê biển, có các điểm xung yếu như: Yên Hưng, Đông Triều, Tiên Yên… Đồng thời yêu cầu sẵn sàng các phương án khi bão về.
Đến 16h ngày 29-7, nhiều tàu, thuyền đã về nơi tránh, trú bão an toàn
Đến chiều 29-7, các địa phương như ven biển của tỉnh như: TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Cô Tô… đã thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện liên lạc đến tất cả tàu thuyền về nơi trú, tránh bão an toàn.
Đặc biệt đối với các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, 168 tàu đánh bắt xa bờ và những nhà bè của các địa phương ven biển, các làng chài trên Vịnh Hạ Long cũng đã được các địa phương huy động đưa về nơi trú bão bão an toàn.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ Đường thuỷ nội địa cho biết: Đơn vị đã thông báo với 475 tàu du lịch, yêu cầu các tàu du lịch hoạt động trong ngày trở về cảng trước 16h30 ngày 29-7, quay về các điểm trú bão. Cảng vụ đường thuỷ nội địa cũng ngừng cấp lệnh cho tàu ngủ đêm từ ngày 29-7. Đơn vị cũng đã kiểm tra, chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn tại các cảng bến... Sáng 30-7 đơn vị sẽ kiểm tra rà soát lại công tác đảm bảo an toàn, tránh trú bão của các phương tiện trên biển.
Tại Hà Tĩnh: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đến tính đến chiều nay (29-7) toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3788 tàu thuyền với 13.717 lao động đã nhận được thông tin về cơ bão số 3.
Ngay khi nhận được tin báo của cơn bão số 3, Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đã phối hợp với Biên phòng Hà Tĩnh, UBND các huyện, thị tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn và tổ chức sắp xếp các tàu thuyền ở khu neo đậu đảm bảo an toàn.
Hiện đang có 1052 tàu, thuyền với hơn 2504 lao động đang đánh bắt trên biển (trong đó có 12 tàu với 84 lao động đánh bắt xa bờ và 1040 tàu thuyền với 2420 lao động đánh bắt gần bờ).
Trước đó, vào chiều 28-7, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã tổ chức họp khẩn để đối phó với cơ bão số 3 có thể đổ bộ vào Hà Tĩnh.
Chuẩn bị kỹ các phương án sơ tán dân vùng biển, cửa sông đề phòng bảo đổ bộ, nước biển dâng cao, sẵn sàng lực lượng và phương tiện tại chổ tổ chức di dời trên 27.403 người đến nơi an toàn, trong đó tại vùng biển huyện Thạch Hà 8.495 người, Kỳ Anh 7.410 người, Lộc Hà 6.483 người, Cẩm Xuyên 3.757 người, Nghi Xuân 1.150 người và TP. Hà Tĩnh 108 người...
Hồi 16h ngày 29-7, vị trí tâm bão số 3 (bão Nock Ten) cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 580km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Theo TTKTTV, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 16h ngày 30-7, vị trí tâm bão cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 31-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Đường đi của bão số 3
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Ở vịnh Bắc Bộ từ đêm nay (29-7), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh từ chiều tối mai (30-7), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Từ chiều tối ngày 30-7 ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Các tỉnh từ Hải Phòng - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 - 5m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Trước tình hình này, trong buổi họp giao ban sáng 29-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép thực hiện lệnh cấm biển các tàu thuyền ở vùng có khả năng ảnh hưởng của bão vào sáng 30-7 từ bắc vĩ tuyến 17 trở ra để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Dự báo vùng ảnh hưởng của bão số 3 rất rộng lớn, kéo dài từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, trong đó khu vực trung tâm có tâm bão đi qua có thể là từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh từ chiều và đêm 30-7, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh từ Thái Bình đến Thừa Thiên Huế, căn cứ diễn biến của bão và tình hình cụ thể của địa phương, quyết định việc cấm tàu thuyền ra khơi.
Song song với đó là triển khai kiểm tra, có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các công trình xây dựng, bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời, sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Dự báo tối nay 30-7, bão số 3 hoạt động trên vùng ven biển các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh.
Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho rằng bão số 3 có hướng gần giống với bão số 2 (xuất hiện vào tháng 6-2011). Dự báo khi bão số 3 vào vùng biển từ các tỉnh Thanh Hóa đến Thái Bình vẫn còn giữ cường độ cấp 9-10, giật cấp 11-12, các tỉnh lân cận từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh sẽ có gió giật trên cấp 6. Trang dự báo hải quân Mỹ, Nhật Bản cũng cho rằng đêm 30-7, bão sẽ đổ bộ vào khu vực giữa Nghệ An và Thanh Hóa.
Vietnam Airlines cho biết do ảnh hưởng của bão nên trong ngày hôm nay 30-7 dự kiến phải hủy sáu chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM đi Vinh và ngược lại.
Đồng thời các chuyến bay từ phía Nam đến Hà Nội, Hải Phòng sẽ kéo dài thời gian bay 15-20 phút do phải điều chỉnh đường bay để tránh bão. |
Cũng theo ông Hải, hiện ngoài khơi Philippines còn có cơn bão khác có tên quốc tế là Muifa. Cơn bão này có cường độ khá mạnh và di chuyển chủ yếu theo hướng bắc chứ không phải tây tây bắc như bão số 3. Vì vậy khả năng hai cơn bão này nhập lại thành siêu bão là rất khó. Tuy nhiên bão Muifa có tương tác nhất định làm cho bão số 3 di chuyển hơi lệch về hướng nam.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kéo dài 2-3 ngày tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Vì vậy, lũ trên các sông thuộc các tỉnh trên sẽ lên nhanh mức báo động 1-2, ở thượng lưu có nơi vượt báo động 3. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
* Trước đó chiều tối 29-7, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã rải rác có mưa và gió bão.
Ngày 29-7, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đã triển khai cuộc họp khẩn ở xã Nam Hương, huyện Thạch Hà. Ông Bùi Lê Bắc - phó Ban phòng chống lụt bão Hà Tĩnh - cho biết nếu diễn biến bão số 3 phức tạp, Hà Tĩnh buộc phải di dời hơn 27.000 người dân sống dọc bờ biển và ở những cửa sông có nguy cơ sạt lở. Nhưng để chủ động đối phó với sự ảnh hưởng của bão số 3, Hà Tĩnh sẽ di dời 20.000 người dân tại các xã ven biển thuộc bốn huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
* Tại cuộc họp sáng 29-7 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cử hai đoàn công tác đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để lập ban chỉ huy tiền phương, thực hiện kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão.
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội biên phòng, tính đến chiều tối qua đã phối hợp với chính quyền các địa phương tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thống kê và thông báo cho 40.432 tàu thuyền với 191.235 người và 3.933 người khác đang làm việc trên 1.702 lồng bè biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó có 22 tàu với 310 ngư dân đang hoạt động, trú tránh ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Đông Sa.