Hotline: 0908961396

Sữa lại tăng giá

3/8/2010
Sữa lại tăng giá
Đây là lần tăng giá khá "khôn ngoan" của các hãng sữa khi mức tăng không quá ồn ào lại vừa lách được quy định quản lý. Điệp khúc tăng giá Theo các đại lý, hiện đã có 3 nhãn hiệu sữa được thông báo tăng giá, gồm Dumex điều chỉnh giá cho 17 loại sữa bột với mức tăng khoảng 10%, Friesland Campina VN tăng giá một số sản phẩm sữa nước, sữa đặc với mức tăng khoảng 5-7% và đầu tháng 8 có thêm nhãn hiệu sữa X.O tăng 2,5% các loại sữa bột. Theo thông báo của Công ty Danone VN (cung ứng mặt hàng sữa Dumex, Dulac) gửi các cửa hàng kinh doanh sữa Dumex, từ ngày 19.7, sữa Dumex Mama Gold step 0 loại hộp 800 gr tăng từ 212.000 đồng lên 233.000 đồng/hộp; sữa Dugro Gold 2 hộp 800 gr tăng từ 298.000 đồng lên 328.000 đồng/hộp. Thậm chí, sữa Dugro Gold 3 hộp 1,5 kg tăng thêm tới 44.000 đồng/hộp, giá từ 454.000 đồng lên 499.000 đồng/hộp... Các loại sữa Dulac cũng tăng giá mạnh.

Các đợt tăng giá sữa liên tiếp gần đây:
- Tháng 2.2009, hãng sữa Abbott thông báo tăng giá 4- 5%. Một số loại sữa ngoại khác cũng tăng theo với mức tương tự.

- Tháng 7.2009, một số hãng sữa ngoại cắt giảm chiết khấu cho đại lý nên các cửa hàng đã tự ý nâng giá bán để giữ được lợi nhuận như cũ.

- Tháng 12.2009, với lý do giá đường và nguyên liệu tăng cao, một số hãng sữa trong nước đã điều chỉnh giá sữa lên thêm 6-10%.

- Từ tháng 1.2010, hầu hết các sản phẩm sữa bột ngoại trên thị trường đã thông báo tăng giá, mức tăng cũng từ 7-10%.

- Tháng 2.2010, các sản phẩm Friso của Công ty Friesland Campina VN chính thức áp dụng bảng giá mới với mức tăng 8-10%.

- Tháng 7.2010, nhiều hàng sữa công bố mức tăng giá từ 5-10% kể cả sữa bột và sữa nước.
 

 

Ví như sữa Dulac Gold, hộp 800 gr tăng thêm 30.000 đồng/hộp; Dulac 1 hộp 800 gr tăng 20.000 đồng/hộp... Theo Cục Quản lý giá, trong tháng 1, sữa của Abbott, Mead Johnson, Friesland Campina VN... đã tăng giá 7 - 9% so với giá bán trong tháng 12.2009. Trong tháng 2, giá nhiều mặt hàng sữa nước, sữa bột, sữa chua của Vinamilk bán lẻ trên thị trường tăng thêm khoảng 8%. Đến tháng 3, Dumex, Meiji, Milax... cũng điều chỉnh giá cho một số sản phẩm với mức tăng 8 - 10%.  Lý giải của Công ty Danone VN là: "Tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng nên công ty buộc phải tăng giá các sản phẩm sữa bột Dumex".

Công ty FrieslandCampina VN cũng điều chỉnh giá bán các sản phẩm sữa nước tăng từ 4.500 đồng/hộp lên 4.750 đồng/hộp kể từ ngày 15.7. Ngoài ra đợt này FrieslandCampina cũng tăng giá sữa đặc Trường Sinh từ 11.500 đồng/hộp lên 12.000 đồng/hộp; Dutch Lady từ 14.500 đồng/hộp lên 15.000 đồng/hộp; Completa từ 10.500 đồng/hộp lên 11.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, theo đại diện của Công ty FrieslandCampina, giá các sản phẩm sau lần điều chỉnh này vẫn chỉ nằm ở mức trung bình, thậm chí thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân - Giám đốc đối ngoại của FrieslandCampina lý giải: "Việc tăng giá này là chẳng đặng đừng do áp lực từ việc tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào trong thời gian qua, kể cả biến động tỷ giá".

Thất hứa

Việc tăng giá này không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ngay cả người kinh doanh sữa cũng bị vạ lây vì trót treo bảng không tăng giá, dựa theo lời cam kết của các hãng sữa. Một chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (TP.HCM) bức xúc: "Các hãng sữa cứ tăng giá vô tội vạ, mỗi lần tăng giá là làm khổ chúng tôi. Cửa hàng kinh doanh sữa như tôi lời được bao nhiêu? Chỉ 2.000  - 3.000 đồng/hộp, lời từ 5.000 đồng - 7.000 đồng/hộp là nhiều lắm rồi. Nhà nước nói không tăng giá sữa nhưng các hãng sữa vẫn tăng giá. Nhà nước nói mà không làm gì được các hãng sữa này thì nói làm gì". Bà T. - chủ cửa hàng sữa nói: "Hộp sữa cùng loại, cùng hãng sản xuất nhưng sữa ở Singapore, Malaysia... thấp hơn ở VNtừ 100.000 đồng - 200.000 đồng/hộp. Tại sao nghịch lý vậy? Sao họ kìm được giá sữa còn Việt Nam thì giá sữa... muốn tăng là tăng".

 

Giá sữa đang tăng bất hợp lý

Số liệu của Tổng cục Hải quan, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm trung bình vài trăm USD/tấn sau khi đạt đỉnh vào tháng 5 và đang đứng ở mức cao. Cụ thể, giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu và châu Úc (những thị trường nhập khẩu chính của VN) đã giảm từ 3.200 - 3.600 USD/tấn hồi tháng 5 xuống mức 2.900 -3.150 USD/tấn. Sữa bột nguyên kem cũng giảm từ 4.000 USD/tấn xuống 3.200 - 3. 600 USD/tấn. Nhưng từ giữa tháng 7 tới nay, các DN sữa lại bước vào mùa tăng giá vẫn với lý do quen thuộc là tỷ giá tăng, giá nguyên vật liệu thế giới tăng.

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, tỷ giá VND/USD có tăng ( 2,2% - PV) không quá cao và đã nằm trong kế hoạch kinh doanh từ đầu năm của mỗi DN. Mặt khác, thuế nhập khẩu sữa đang ở mức rất thấp so với khu vực (thuế nhập khẩu sữa bột nguyên kem hoặc tách kem đã giảm từ 20% xuống 5% vào tháng 9.2009) nhưng giá sữa cùng loại lại cao hơn nhiều. "Một số nhãn hàng sữa tăng trên 10% là quá cao so với thực tế", bà Nga nói.

Mai Hà - H.Việt - Q.Thuần

 

 

Lỗ hổng pháp lý

Thông tư 104 được lý giải là lỗ hổng pháp lý khiến cơ quan quản lý Nhà nước dường như bó tay với tình trạng sữa tăng giá bất hợp lý. Nhưng việc bịt lỗ hổng này thì có vẻ quá chậm. Một trong những lý do, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính là vì doanh nghiệp (DN) nước ngoài chưa quen với việc đăng ký giá!

* Giá sữa bột nhập khẩu liên tiếp tăng giá 3 lần trong tháng 7, Cục Quản lý giá có biết không?

- Do Thông tư 104/2008/TT-BTC không bắt các DN nhập khẩu phải đăng ký, kê khai giá nên chúng tôi chỉ nắm bắt qua các phương tiện thông tin. Ngoài ra, một số địa phương cũng báo cáo về việc sữa đã tăng giá.

* Là cơ quan đầu mối chính thức quản lý giá, Cục đã có phản ứng gì về đợt tăng giá này?

- Thực ra, do "lỗ hổng" về luật mà cụ thể là Thông tư 104 - nên chúng tôi không thể xử lý mặc dù biết rõ DN tăng giá như vậy là bất hợp lý. Thông tư quy định 2 lần tăng giá cách nhau tối thiểu 15 ngày, và DN dưới 50% vốn chủ sở hữu nhà nước không cần đăng ký, kê khai giá. DN từ đầu năm tới nay vẫn cứ "lách", mỗi lần tăng khoảng 5%, 10% nên Cục không can thiệp để bình ổn giá được.

Chúng tôi đã trình thông tư sửa đổi từ tháng 3.2010, nhưng cũng có một vài khó khăn nên chưa thể ban hành. Mặt hàng sữa bột chủ yếu là các DN nước ngoài, họ chưa quen với cách đăng ký giá. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện thông tư sửa đổi, tất cả đã được trình lên cấp trên chờ phê duyệt và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

* Theo ông, trong cơ cấu tạo thành giá gốc ban đầu, yếu tố nào DN dễ lợi dụng để tăng giá?

- 80% nguyên liệu sữa phải nhập khẩu, nên giá vốn nhập khẩu sẽ khó xác định nhất và DN dễ lợi dụng để tăng giá. Ngoài ra, tỷ giá và chi phí phân phối mặt hàng sữa cũng tác động mạnh lên giá sữa ngoại nhập khẩu.

* Một trong những điều người tiêu dùng "khó chịu" nhất là việc biết giá như vậy là cao, nhưng cao bao nhiêu so với giá gốc thì chịu, ông nghĩ sao về việc này?

- Tới đây, DN sẽ phải kê khai và đăng ký giá bán. Sẽ không còn chuyện tối thiểu 15 ngày sau hai lần tăng giá liên tiếp, cũng như tăng quá 20% cơ quan quản lý mới được can thiệp. Cơ cấu tạo nên giá vốn của DN sẽ có một thước đo tại quy chế tính giá được quy định trong thông tư ban hành kế sau Thông tư 104.

* Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin về cơ cấu giá vốn hay không?

- Người tiêu dùng không được biết những thông tin về giá vốn, họ chỉ được tiếp cận mức giá bán của DN - đó là quyền của DN trong kinh doanh, ngay cả cơ quan quản lý giá cũng phải giữ bí mật. Chỉ khi nào cơ quan thanh tra phát hiện ra DN vi phạm quy chế tính giá, Cục sẽ công bố cơ cấu giá không hợp lý.

Anh Vũ

 

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của QH, ông Nguyễn Đăng Vang: Cần công khai thông tin chi phí, lợi nhuận giá sữa

“Điều quan trọng là phải điều tra cụ thể cơ cấu giá thành làm nên sản phẩm, so sánh giá bán, lợi nhuận của DN sữa để trên cơ sở đó, quản lý nhà nước phải đưa ra một chính sách hợp lý nhất. Đi kèm với đó là phải công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến giá sữa cho người tiêu dùng được biết”.

Nguyễn Đình Xuân, ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH: Quốc hội nên có giám sát chuyên đề về giá sữa

“Cần điều tra xem có sự liên kết tăng giá hay không, có chiêu thức nào làm giá hay không? Đồng thời có biện pháp hỗ trợ các công ty sữa trong nước để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn bằng cách có chính sách khuyến khích phát triển thị trường sữa nội để tránh phụ thuộc quá nhiều vào sữa ngoại.

Ngoài ra, QH nên yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo về tình trạng giá sữa tăng cao bất hợp lý. Nếu vấn đề kéo dài nhiều năm như vậy mà không được giải quyết thì QH nên có giám sát chuyên đề để đề ra giải pháp toàn diện chấn chỉnh sớm tình trạng này”.

Hải Âu (ghi)

Hoàng Minh
www.hoangminhco.com - Theo thanh niên online