Hotline: 0908961396

TPHCM nơm nớp lo chỗ gửi xe

27/12/2011
TPHCM nơm nớp lo chỗ gửi xe
Chính phủ vừa chỉ đạo TPHCM không được sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đậu, giữ xe gắn máy, ô tô nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

TPHCM đang “rối bời” trước yêu cầu “xóa trắng” bãi giữ xe vỉa hè (Ảnh minh họa)

Dọc các tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM, cao ốc văn phòng, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… mọc lên san sát. Thế nhưng, phần lớn các điểm kinh doanh này không có chỗ giữ xe hoặc có nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu. Rõ ràng nhu cầu về điểm gửi xe ở khu trung tâm TP là rất cao. Tuy nhiên, hiện TPHCM đang “rối bời” khi triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là “xóa trắng” bãi đậu xe, giữ xe dưới lòng đường và trên vỉa hè.

Đỏ mắt tìm bãi giữ xe

Mỗi khi có dịp công tác ở khu vực đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Siêu, Đông Du hay Thi Sách (quận 1), chị Hạnh Khuyên (Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển) lại ngán ngẩm vì không tìm được chỗ gửi xe. “Biết khó tìm chỗ gửi xe, tôi đã tranh thủ đi sớm hơn 30 phút so với lịch hẹn nhưng chưa lần nào đến đúng giờ. Vậy nên, cực chẳng đã mới hẹn khách hàng ở khu vực này”- chị Khuyên nói.

Không chỉ khách vãng lai kêu khổ mà nhân viên văn phòng tại các công ty hay cao ốc mọc lên từ những “khu đất vàng” cũng chung cảnh ngộ, thậm chí phải chạy vạy, “xin” được gửi xe ở các bãi lân cận. Thông thường, khi nhận được câu hỏi “chừng nào lấy xe” của chủ bãi xe, nếu khách trả lời “15 phút hoặc 30 phút” thì cho xe vào bãi, còn trên một giờ thì xin mời đi chỗ khác.

Anh Nguyễn Thành Trung (ngụ quận Thủ Đức) cho biết thường gửi xe ở bãi xe góc đường Thi Sách - Nguyễn Siêu. Những ngày đến trễ, không còn chỗ cho “tiêu chuẩn gửi cả ngày”, anh Trung phải năn nỉ ỉ ôi, than trễ giờ làm nhưng cuối cùng cũng phải dắt xe tìm bãi khác dù là “khách ruột”. Chúng tôi thử vào gửi xe tại bãi giữ xe góc đường Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung.

Tại đây, đa số những ai vào gửi xe cũng lo sợ cái lắc đầu của người giữ xe hoặc phải cười tươi lấy lòng chủ bãi để mong được một chỗ “nhét” chiếc xe vào. Anh Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ quận 6) bức xúc: “Người gửi xe phải hạ mình, như thể xin được ban ơn mới được cho gửi, nếu không chỉ có nước lỡ làng công việc”.

TPHCM nơm nớp lo chỗ gửi xe, Tin tức trong ngày, bai giu xe, diem trong xe, trong giu xe, bao, tin hot, tin nhanh, tin tuc

Theo lãnh đạo UBND quận 1, việc dẹp bãi đậu xe trên vỉa hè, lòng đường cần có lộ trình để tránh gây rối giao thông, sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Giữ ô tô có thu phí trên đường Phan Chu Trinh, quận 1. Ảnh: Tấn Thạnh

Chưa kịp mừng đã nơm nớp lo

Trước nhu cầu về bãi đậu xe, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 74/2008/QĐ-UB cho phép người dân được dùng vỉa hè để kinh doanh buôn bán và đậu xe trên vỉa hè, dưới lòng đường có thu phí. Đây được xem là động thái vừa “cởi trói” vừa siết chặt việc quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP.

Theo Quyết định 74, toàn TP có 163 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, trong đó nhiều nhất là quận 1 với 63 tuyến đường, quận 5 với 45 tuyến đường; 112 tuyến đường khác được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh buôn bán; 72 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí, trong đó nhiều nhất vẫn là quận 1 với 32 tuyến đường.

Quyết định 74 ra đời chưa được triển khai rốt ráo thì tháng 9-2011, Chính phủ đã có chỉ đạo TP Hà Nội và TPHCM không được sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đậu, giữ xe gắn máy, ô tô hoặc kinh doanh buôn bán để trả lòng đường, vỉa hè cho giao thông nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên theo Sở GTVT, thực tế rất ít tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực dùng lòng đường, vỉa hè để đậu xe gắn máy, ô tô.

Ùn tắc giao thông cũng chỉ xảy ra tại một vài tuyến đường và chiếm số lượng khá nhỏ trong tổng số tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè. Trong khi nhu cầu đậu xe của người dân ở khu trung tâm TP rất lớn, nếu dẹp triệt để như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thì hàng ngàn người dân TPHCM lâm vào cảnh… không biết gửi xe ở đâu!

Cần lộ trình hợp lý

Mặc dù vậy, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, UBND TPHCM vừa bãi bỏ việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường làm bãi giữ xe công cộng có thu phí trên 9 tuyến đường, đồng thời yêu cầu các quận, huyện kết hợp với Sở GTVT rà soát lại toàn bộ các nơi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường, vỉa hè làm điểm, bãi đậu xe có thu phí. Trong trường hợp các điểm, bãi đậu xe gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông thì phải giải tỏa ngay trước Tết Nhâm Thìn. Sở GTVT cũng vừa giao Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 rà soát toàn bộ các điểm, bãi đậu xe có thu phí trên vỉa hè, dưới lòng đường ở khu vực quận 1 để có hướng xử lý.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng việc dẹp bãi đậu xe trên vỉa hè, lòng đường cần có lộ trình hợp lý để tránh gây rối loạn sinh hoạt xã hội. Theo ông Tuyến, dự kiến trong năm 2012, quận 1 sẽ giảm 50% bãi đậu xe trên vỉa hè, lòng đường ở các tuyến đường nhỏ, đông xe qua lại và thường xảy ra kẹt xe. Đồng thời tiếp tục duy trì các bãi đậu xe trên các tuyến đường lớn, chẳng hạn như khu vực đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ. “Khi nào có bãi đậu xe ngầm mới chấm dứt việc dùng vỉa hè, lòng đường để đậu xe. Chủ trương này chúng tôi đã đề xuất và đang chờ ý kiến của UBND TP”- ông Tuyến nói.

Nhu cầu đậu xe ở quận 5 cũng nhiều không kém quận 1. Ông Bùi Bình Phương, Phòng Quản lý đô thị quận 5, cho biết trên địa bàn quận có 104 điểm giữ xe trên vỉa hè. “Quận sẽ rà soát lại theo tinh thần chỉ đạo của Sở GTVT, tuy nhiên các điểm giữ xe trên địa bàn quận ít gây ùn tắc giao thông nên chúng tôi đề xuất xin giữ lại”- ông Phương khẳng định. Còn ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết sẽ triển khai chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên, những vị trí nào không gây ùn tắc giao thông sẽ đề xuất Chính phủ cho giữ lại để phục vụ nhu cầu người dân.

Quyết định 74 “phá sản”?

Với tiêu chí “vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông”, Sở GTVT TPHCM đã đưa giải pháp thu hồi toàn bộ giấy phép cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đậu xe vào các giải pháp cấp bách trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2012. Trả lời câu hỏi: Với chỉ đạo của Chính phủ, liệu Quyết định 74 của UBND TP có bị “phá sản”?, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng tuy không “phá sản” toàn bộ nhưng trong thời gian tới sẽ phải điều chỉnh lại quyết định này theo hướng “thu gọn” rất nhiều.

Thành Hiệp
www.hoangminhco.com