Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ ba, chiều 6-12, UBND TP đã đưa tờ trình về việc đặt tên đường hầm sông Sài Gòn thay cho tên gọi hiện tại là hầm Thủ Thiêm. Đây là một vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm.
Những chiếc xe đầu tiên chạy vào hầm Thủ Thiêm từ phía quận 2 sang quận 1
Đường hầm vượt sông Sài Gòn, đoạn từ nút giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Trạm thu phí quận 2 dài gần 1.5 km từ trước đến nay người dân vẫn thường gọi là hầm Thủ Thiêm mà chưa có một tên đường cụ thể. Vì thế, thành phố đã thống nhất đặt tên công trình này là đường hầm sông Sài Gòn. Đề xuất này của UBND TP cũng đã được Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thẩm tra và đồng ý.
Đề xuất này vấp phải phản đối của rất nhiều đại biểu. Đại biểu Ngô Minh Châu - Phó giám đốc Công an thành phố cho rằng, việc đặt tên đường Thủ Thiêm cần nghiên cứu kỹ, cần có cái tên đúng, khoa học và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố. Trước khi có đề xuất này, người dân vẫn gọi là hầm Thủ Thiêm, tên gọi này đã đi vào trong lòng người dân.
"Chúng ta cũng vừa khai tử bến phà Thủ Thiêm. Lấy tên hầm Thủ Thiêm thay cho bến phà tôi thấy rất phù hợp. Cũng không có gì trở ngại khi chúng ta vừa có hầm Thủ Thiêm, vừa có cầu Thủ Thiêm", đại tá Châu đề xuất.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Trọng Dũng (quận 8) cho rằng, việc đặt tên đường sông Sài Gòn về mặt ngữ pháp cũng không chuẩn. "Chỉ nên gọi là đường dưới sông hoặc đường trên sông Sài Gòn chứ không thể gọi là đường hầm vượt sông Sài Gòn. Cái tên Thủ Thiêm cũng rất dễ thương và gắn bó với người dân, tôi thiết nghĩ nên cân nhắc trước khi quyết định", ông Dũng nói.
Cho rằng, công trình hầm Thủ Thiêm có công lao rất lớn từ đối tác Nhật Bản, đại biểu Nguyễn Đình Hưng không đồng tình với cách đặt tên đường của UBNDTP. "Theo tôi, nên chọn một cái tên khác vừa xứng tầm là một công trình hiện đại mang tầm vóc khu vực, vừa thể hiện được tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việc này còn có ý nghĩa mở rộng quan hệ quốc tế", ông Hưng nói.
Cũng liên quan đến đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm, nhiều đại biểu bức xúc, sau hơn nữa tháng thông hầm, nhiều người dân đã đổ về đây gây mất vệ sinh trên con đường này. Rác thải được vứt bừa bãi trên đường. "Khi tôi hỏi về trách nhiệm quản lý con đường hiện đại nhất Đông Nam Á này thì được UBND thành phố cho biết, hiện có 3-4 đơn vị quản lý, nhưng riêng phần vệ sinh thì không thấy ai chịu trách nhiệm và đẩy cho quận 2", đại biểu Nguyễn Văn Sơn đặt vấn đề.
Được biết, từ 6h sáng ngày 21-11-2011, hầm Thủ Thiêm chính thức mở cửa cho người dân lưu thông. Công trình này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.
Quá trình thi công hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu từ tháng 2-2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn. Mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm được đổ vào tháng 9-2007 tại bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản đối của rất nhiều đại biểu.
Những chiếc xe đầu tiên chạy vào hầm Thủ Thiêm từ phía quận 2 sang quận 1
Ngày 6-1-2010, công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra cân chỉnh các đốt hầm.
Từ tháng 3-2010 đến tháng 6-2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2).
Ngày 4-8-2010 đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4-9-2010.
Ngày 21-9-2010 hợp long thành công hầm Thủ Thiêm.