Bộ Quốc phòng Mỹ dự báo Trung Quốc đang trên đường xây dựng một quân đội hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cảnh báo sự trỗi dậy quân sự của Bắc Kinh có thể sẽ là yếu tố gây bất ổn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong báo cáo ra ngày 24-8, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc, với 1,25 triệu lính, đang thu hẹp khoảng cách công nghệ với nhiều cường quốc quân sự trên thế giới. Trong thời quan qua, Bắc Kinh đã đầu tư lớn để phát triển các loại vũ khí hiện đại như tên lửa đạn đạo chống tàu ngầm có khả năng tấn công tàu sân bay, tàu ngầm tấn công và tàu chiến... cũng như phát triển công nghệ vệ tinh và năng lực chiến tranh mạng. Lầu Năm Góc ước tính trong năm 2010, Trung Quốc đầu tư hơn 160 tỉ USD cho quân sự.
Thiếu minh bạch
Lầu Năm Góc xác định hai cột mốc lớn của việc hiện đại hóa quân sự Trung Quốc là chương trình sản xuất tàu sân bay và máy bay chiến đấu tàng hình. Năm 2011, Bắc Kinh hoàn thiện việc sửa chữa tàu sân bay Thi Lang (mua lại từ Ukraine) và giới thiệu mẫu máy bay tàng hình J-20. Bộ Quốc phòng Mỹ xác định tàu sân bay Thi Lang chỉ đóng vai trò huấn luyện và có khả năng hoạt động hạn chế, nhưng là bước đầu để Trung Quốc thành lập một hạm đội tàu sân bay trong vòng 10 năm tới.
Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Michael Schiffer cho biết tàu Thi Lang hiện không có máy bay trên boong và sẽ phải mất vài năm để đạt được khả năng chiến đấu tối thiểu. Trong thời gian qua, các quan chức quốc phòng Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ đóng thêm hai tàu sân bay “made in China”. Lầu Năm Góc xác định nếu Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay trong năm 2011 thì cũng phải đến năm 2015 mới có được một tàu sân bay “made in China” đầu tiên, còn chiến đấu cơ tàng hình J-20 chỉ có thể hoạt động từ sau năm 2018.
Ngoài ra, Trung Quốc đang “tìm cách tăng cường sức mạnh hạt nhân của họ với việc trang bị những tên lửa đạn đạo mới mang đầu đạn hạt nhân đủ sức đối phó với một cuộc tấn công trước những bước cải tiến thường xuyên” của Mỹ và trong mức độ nào đó cả của Nga. Bắc Kinh tuyên bố chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân, chỉ sử dụng vũ khí này để trả đũa trong trường hợp Trung Quốc trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân.
Báo cáo cũng nhấn mạnh Bắc Kinh đang phát triển năng lực chiến tranh mạng và khẳng định hàng loạt vụ tấn công trên mạng trong năm 2010 nhắm vào máy tính của Chính phủ Mỹ cùng các nước, các công ty, tổ chức, cá nhân... đều bắt nguồn từ Trung Quốc. “Những cuộc tấn công mạng này nhằm ăn cắp thông tin” - báo cáo nêu rõ.
Ông Schiffer mô tả cuộc chạy đua hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có thể trở thành yếu tố gây bất ổn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân là bởi Bắc Kinh hoàn toàn không minh bạch. “Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc” - ông Schiffer khẳng định. Việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện của hải quân trong khu vực, vươn ra Thái Bình Dương “cũng sẽ có tác động và tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”. Phía Mỹ xác định Trung Quốc đã hoàn thành căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam, đủ lớn để chứa một loạt tàu ngầm, tàu chiến, thậm chí cả tàu sân bay.
Mục tiêu Đài Loan
Lầu Năm Góc xác định Đài Loan vẫn là mục tiêu ưu tiên của Bắc Kinh. Báo cáo cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai khoảng 1.200 tên lửa tầm ngắn về phía Đài Loan. Khoảng 400.000 quân Trung Quốc đang đóng tại ba khu vực quân sự gần Đài Loan (Tàu sân bay Thi Lang được quân đội Trung Quốc đặt tên theo một vị tướng nhà Thanh từng đem quân bình định Đài Loan). Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định “cán cân lực lượng quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan vẫn nghiêng hẳn về phía Trung Quốc”.
Đài Loan là một trong những “cái gai” lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Năm 2010, quân đội Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ với Mỹ trong suốt cả năm do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Chính quyền Washington hiện vẫn chưa quyết định về việc có bán thêm vũ khí cho Đài Loan hay không. Hồi đầu tháng, như Reuters cho biết, nhiều khả năng Mỹ sẽ hủy bỏ việc bán 66 máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan.
Tân Hoa xã cáo buộc Mỹ thổi phồng mối nguy cơ quân sự của Trung Quốc dựa trên “những dự đoán không thực tế và những lý do phi logic”, và nhấn mạnh chính sách quốc phòng Trung Quốc là phòng ngự.