Tháng 6, Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn nổi bật nhất trong năm, phải đến 105 năm nữa mới lặp lại - sao Kim đi ngang qua mặt trời.
Hình minh họa sao Kim đi ngang qua đĩa mặt trời
Hiện tượng thiên văn có tên là Venus transit diễn ra vào ngày 6/6. Hầu hết các nơi trên thế giới từ châu Mỹ, châu Á, châu Âu tới châu Phi đều quan sát được.
Trên thế giới, phần lớn của châu Á và châu Âu thấy hiện tượng vào sáng ngày 6/6 khi mặt trời vừa ló rạng ở phía đông, khi đó sao Kim đã nằm trong đĩa của mặt trời. Còn ở Bắc Mỹ, người quan sát sẽ chứng kiến thời điểm sao Kim bắt đầu đi ngang qua đĩa mặt trời buổi chiều và buổi tối của ngày 5/6, ở chân trời phía tây.
Sao Kim là hành tinh vòng trong của mặt trời, có tốc độ quay xung quanh mặt trời lớn hơn trái đất. Khi sao Kim bắt kịp trái đất và bắt đầu vượt qua trái đất thì sao Kim xuất hiện như một chấm nhỏ nổi bật trên đĩa bề mặt của mặt trời. Hiện tượng xảy ra trong 6 giờ 40 phút. Đến hơn 100 năm nữa Việt Nam mới có dịp quan sát lại một lần nữa hiện tượng tương tự.
"Đây là cơ hội cuối cùng cho tất cả mọi người ngắm nhìn sao Kim qua đĩa mặt trời, vì phải đến năm 2117 mới xuất hiện lần nữa", Trần Thái Sơn, câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) cho biết.
Tại Việt Nam, chúng ta không quan sát được quá trình đi vào đĩa mặt trời của sao Kim, nhưng sẽ xem được các diễn biến tiếp theo cho đến tận khi sao Kim ra khỏi mặt trời.
"Ở Việt Nam, ngay từ khi mặt trời vừa ló, sao Kim đã nằm trong đĩa mặt trời, và tiếp tục diễn tiến qua đĩa mặt trời cho đến khi kết thúc vào khoảng 11h50 trưa 6/6", Thái Sơn cho biết.
Trong lịch sử con người mới chỉ chứng kiến cảnh tượng sao Kim di chuyển ngang qua mặt trời 6 lần vào các năm 1639, 1761, 1769, 1874, 1882 và 2004. Do đó, lần Venus transit này là sự kiện không thể bỏ qua cho bất cứ ai yêu thích bầu trời.
Các chuyên gia cảnh báo không được nhìn trực tiếp vào mặt trời bằng mắt thường, ống nhòm hay kính thiên văn. Điều này sẽ khiến mắt bị tổn thương, thậm chí gây mù.
Để quan sát mặt trời một cách an toàn, người xem nhìn qua các tấm kính lọc mặt trời, hoặc mua kính lọc đeo vào mắt.
Cách an toàn và đơn giản nhất là quan sát gián tiếp mặt trời. Tức là sử dụng kính thiên văn hay một mắt của ống nhòm để chiếu ảnh của đĩa mặt trời lên một tấm bìa trắng. Hình ảnh mặt trời và sao kim sẽ xuất hiện trên tấm bìa.
Cũng trong tháng tới, Việt Nam sẽ đón xem hiện tượng thiên văn chú ý khác là hiện tượng nguyệt thực một phần ngày 4/6. Nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng đi vào vùng tối của trái đất. Cực đại của nguyệt thực năm nay diễn ra vào lúc 18h03 giờ Hà Nội, theo đó 37% bề mặt mặt trăng sẽ bị che phủ.