"Giá xăng giảm thêm 500 đồng/lít, dầu giảm 300 đồng/lít (9/5) chỉ có tác động tâm lý để kiềm chế không tăng giá cước vận tải", ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết.
Ông Lê Văn Tòng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ hỗ trợ vận tải ôtô Ka Long (chuyên chạy tuyến Móng Cái- Quảng Ninh) cho biết”: Giá xăng giảm 500 đồng/lít là quá ít so với sự kỳ vọng của các đơn vị vận tải.
“Giá xăng dầu luôn biến động thất thường, mỗi khi tăng hay giảm đều khiến doanh nghiệp vận tải “lao đao” và phải liên tục chạy đua theo giá xăng. Đợt giảm giá này chẳng thấm vào đâu nên sẽ không có chuyện giá cước giảm,” ông Tòng khẳng định.
Ông Tòng cũng cho biết, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, tất cả các doanh nghiệp vận tải đang phải tận dụng mọi nguồn thu để giảm chi, tăng thu bù đắp cho chi phí nhiên liệu đầu vào bằng mọi cách.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho biết: Đợt giảm giá xăng dầu ngày 9/5 sẽ không có tác động nhiều đến giá cước vận tải, vì ngay như đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4 cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp phải điều chỉnh để tránh lỗ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết: Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Mức giảm 500 đồng/lít xăng (tương ứng với 2%) so với lần tăng giá vào 20/4 là quá ít.
“Với các doanh nghiệp đã điều chỉnh sẽ khó có sự thay đổi giá cước vì đợt giảm giá xăng ngày 9/5 chỉ có tác động tâm lý để kiềm chế không tăng giá,” ông Hùng khẳng định.
Theo nhận định của ông Hùng, chi phí xăng dầu là chính yếu trong kinh doanh vận tải. Vì vậy, giá xăng dầu tăng giảm liên tục cần phải tính toán hợp lý, tránh tác động đến việc doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước.
Ông Hùng chứng minh, trước đó, khi giá xăng dầu tăng, Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng kiến nghị doanh nghiệp cần phải cân nhắc giá cước bởi nếu nâng giá lên dân không chịu được sẽ kéo theo doanh thu thấp.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, ông Hùng cho biết thêm, các hãng sẽ khó giảm cước vì đợt tăng giá cước vừa qua chỉ áp dụng theo nguyên tắc bù lỗ nhiên liệu, trong khi các chi phí về bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng… đều tăng cao. Mặt khác, thủ tục để điều chỉnh đồng hồ tính cước, giá cước mới rất mất thời gian nên các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc.
“Trong khi đợt này mức giảm xăng dầu cũng không lớn, nếu có giảm giá cước cũng chẳng đáng bao nhiêu. Các doanh nghiệp còn phải chờ xem giá cả xăng dầu còn tăng hay giảm trong thời gian tới để có những quyết sách. Nếu cước cứ tăng giảm liên tục theo xăng dầu sẽ gây tốn kém vì chi phí in ấn vé, niêm yết giá cước…,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu giảm không ảnh hưởng đến giá cước của các đơn vị vận tải bởi các doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng.
“Xăng dầu tăng giảm do tác động khách quan của xăng dầu thế giới. Biên độ xăng dầu tăng và giảm 10% thì các doanh nghiệp vận tải mới tính toán lại giá cước và sẽ có những điều chỉnh cước,” ông Liên tiết lộ.
Cũng theo đánh giá của ông Liên, hai đợt tăng giá xăng dầu trước, doanh nghiệp vận tải vẫn chịu đựng và không tăng giá cước. Vì vậy, đợt tăng giá lần này, giá cước vẫn sẽ ổn định và không có sự biến động so với trước đây.